Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên

Trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên thường phải đối diện với vô vàn khó khăn về nguồn vốn, cơ chế chính sách, nhất là nền tảng kiến thức, kỹ năng. Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, qua đó từng bước tạo lập môi trường thuận lợi và cơ chế hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên; tạo chuyển biến mang tính đột phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các nhà trường.

Sáng chế của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh tham gia cuộc thi Lái xe sinh thái, tiết kiệm nhiên liệu Honda 2018.

Nói đến hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp không thể không nhắc tới Trường Đại học Ngoại Thương - Cơ sở Quảng Ninh. Những năm qua, trường đã không ngừng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức. Trường đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho các thế hệ sinh viên, như: Phối hợp với báo Diễn đàn doanh nghiệp và Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổ chức khóa đào tạo về khởi nghiệp với chủ đề “Khởi sự kinh doanh”; phối hợp với Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU (FIIS) tổ chức khóa đào tạo về “Sáng tạo và khởi nghiệp tinh gọn”...

Đoàn trường phối hợp thành lập CLB Khởi nghiệp của sinh viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động thúc đẩy sinh viên hình thành các ý tưởng khởi nghiệp và làm cầu nối giữa nhà trường với các nhóm sinh viên có dự án khởi nghiệp cần sự hỗ trợ hoặc tư vấn. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và chia sẻ kinh nghiệm cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên; tăng cường kết nối với Sở KH&CN, Tỉnh Đoàn, Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU để kịp thời truyền thông, hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích sinh viên có ý tưởng đổi mới sáng tạo và ý tưởng khởi nghiệp tham gia các cuộc thi, v.v..

Đánh giá cao vai trò của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chú trọng bố trí, đầu tư cơ sở vật chất, thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong trường, tạo không gian dùng chung cho sinh viên; thành lập các CLB khởi nghiệp phù hợp với nhóm ngành đào tạo; biên soạn, ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Thêm vào đó, trường đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Cùng với hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đến tham dự, giới thiệu hàng trăm cơ hội việc làm đến các em sinh viên. Đặc biệt, các trường tổ chức hội thảo, các buổi truyền thông về khởi nghiệp cho sinh viên, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực sinh viên đang học tập. Thông qua các hoạt động đó, sinh viên có cơ hội thuyết minh về ý tưởng khởi nghiệp để mời gọi đầu tư và sử dụng nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoạt động kết nối doanh nghiệp đã giúp những dự án khởi nghiệp của sinh viên tìm được doanh nghiệp đỡ đầu và làm cho ý tưởng đó có nhiều cơ hội thành công.

Lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh và đại diện các doanh nghiệp ký cam kết hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng nói trên, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vẫn là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với một số cán bộ, giảng viên và sinh viên. Hiện nhiều trường vẫn chưa đưa môn học này vào chương trình đào tạo; chưa tạo lập được môi trường cho sinh viên nuôi dưỡng phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm tạo tiền đề cho các dự án khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp trong tương lai. Nhận thức và kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của một số sinh viên còn hạn chế nên số lượng sinh viên tham gia các khóa đào tạo về khởi nghiệp ngắn hạn chưa nhiệt tình. Số lượng nhóm sinh viên có dự án tham gia cuộc thi về “Đổi mới sáng tạo” còn tương đối ít...

Theo ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, các trường đại học, cao đẳng cần tăng cường kết nối chặt chẽ để tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế các phòng thí nghiệm, quy trình sản xuất tại các trường đại học. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm, tập trung vào các lĩnh vực có ưu thế, tiềm năng: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị; sản xuất dược; sản xuất gốm sứ; công nghệ thông tin. Các trường THPT cũng cần tích cực tổ chức các hoạt động sáng tạo, cải tiến khoa học kĩ thuật theo hướng từ “sáng chế” các ứng dụng khoa học kĩ thuật đến “khởi nghiệp” để ứng dụng trong sản xuất, phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày.

Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-sinh-vien-2434644/