Khởi nghiệp nhìn từ bài học thành công của U22 Việt Nam

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp khuyên bạn trẻ khởi nghiệp đừng trông chờ vào nguồn vốn vay ngân hàng và sẵn sàng bán ý tưởng khởi nghiệp khi cần thiết.

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Sẵn sàng bán ý tưởng khi cần

Tại Diễn đàn Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp của ĐH đại biểu Hội LHTN Việt Nam lần thứ VIII, nhiều đại biểu chia sẻ sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để triển khai dự án, ý tưởng.

Anh Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thẳng thắn cho rằng, bạn trẻ khởi nghiệp đừng trông chờ vào vốn vay ngân hàng. Bởi theo anh Tùng, các dự án khởi nghiệp luôn có nhiều yếu tố rủi ro, thất bại, nguy cơ mất vốn cao. Trong khi đó, nguồn tiền từ ngân hàng cũng phải đi vay mượn từ các tổ chức khác, họ còn nuôi cả bộ máy, hệ thống quản trị thì không thể nào có rủi ro với đồng vốn của họ được. Theo anh Tùng, cần tìm nguồn vốn ở các quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa nền tảng công nghệ, dữ liệu làm chủ nó để tìm kiếm cơ hội cho bản thân trong thời đại số hóa.

Anh Tùng khuyên bạn trẻ khởi nghiệp hãy luôn ở vị thế của người chia sẻ lợi ích. “Và hãy xem ý tưởng là cơ hội. Ai có nhu cầu, hãy cứ mạnh bán đi để có tiền làm việc khác. Và đã là cơ hội thì có thể bán đi khi cần để thực hiện những mục tiêu khác. Vì các là người trẻ, các bạn có trí tuệ, sức trẻ, nhiệt huyết, các bạn có thể làm được nhiều việc khác nhau. Tôi thấy, các bạn đang trói mình vào tư duy lệch lạc là cứ phải ôm khư khư quyền sở hữu”, anh Tùng nói.

Các đại biểu góp ý sôi nổi tại diễn đàn Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, anh Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thắng lợi Group cho rằng, hầu hết người trẻ khi muốn khởi nghiệp đều nghĩ đến việc tìm kiếm nguồn vốn, và trong tâm thức các bạn luôn nghĩ rằng “Muốn khởi nghiệp, huy động vốn, tiền đâu?”. Anh cho biết, bản thân thanh niên cần phải huy động vốn từ chính những nguồn xung quanh mình như họ hàng, người thân, bạn bè rồi mới tính đến vay của ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng. "Nếu không thuyết phục được gia đình, bạn bè tin tưởng cho vay thì làm sao đủ tự tin đòi hỏi ngân hàng tin tưởng để cho các bạn vay tiền?". Anh Thành nhấn mạnh. “Muốn trở thành ông chủ giỏi phải là một người làm thuê xuất sắc”. Anh cho biết, để có thể khởi nghiệp thành công và lại phải sáng tạo, thanh niên cần tích lũy đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm trước khi bắt đầu khởi nghiệp nếu không muốn thất bại.

Khởi nghiệp nhìn từ bài học thành công của U22 Việt Nam

Anh Nguyễn Vũ Ninh, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Tuyên Quang đề xuất cần đổi khái niệm: “Phong trào khởi nghiệp” thành “Văn hóa khởi nghiệp” để phong trào có sự bền vững. Bởi theo anh Linh, nếu dùng khái niệm “phong trào” thường không ổn định, khi ào ào phát triển, khi lại đi xuống, vì vậy đổi khái niệm “văn hóa khởi nghiệp” sẽ tạo nên sự bền vững, dài lâu. Bên cạnh đó, theo anh Linh, khởi nghiệp nên đi vào hoạt động cụ thể, chi tiết. “Chúng tôi quan niệm, một tấm gương khởi nghiệp thành công sẽ tạo sự lan tỏa, truyền tải tinh thần, khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn bất cứ diễn đàn, hay bất cứ lời khuyên nào. Vì thế, chúng tôi chú trọng tiếp sức, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp thành công để làm hình mẫu tuyên truyền”, anh Ninh nói.

Anh Nguyễn Vũ Ninh, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Tuyên Quang

Theo anh Ninh, khởi nghiệp, đầu tiên cần được hỗ trợ để vượt qua những khó khăn ban đầu; thứ hai, cần có thành quả để có thêm động lực bước tiếp; thứ 3, phải đúng đắn; và cuối cùng, sau khi khởi nghiệp thành công, có thành quả rồi, người khởi nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng của mình.

Anh Phùng Văn Hiển cho rằng, quan trọng nhất, gốc của khởi nghiệp là cần đầu tư vào giáo dục, tạo được nền tảng giáo dục từ nhỏ cho bạn trẻ

Startup Phùng Văn Hiển, cho rằng, quan trọng nhất, gốc của khởi nghiệp là cần đầu tư vào giáo dục, tạo được nền tảng giáo dục từ nhỏ cho bạn trẻ, để làm sao các bạn có tự lập, tự chủ, có kỹ năng, hiểu được những giá trị công việc mình làm sau này. Lấy dẫn chứng câu chuyện của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam vừa giành Huy chương Vàng SEA Games 30 làm nức lòng người hâm mộ, anh Phùng Văn Hiển cho rằng, đó là kết quả của một quá trình được nuôi dưỡng trong lò đào tạo bài bản, được hỗ trợ, dẫn dắt bởi người thầy tài năng. “Khởi nghiệp cũng vậy, để có được thành công cần đầu tư giáo dục, đào tạo từ nhỏ, chú trọng văn hóa. Làm được điều đó, tôi tin sẽ chúng ta sẽ xây dựng được quốc gia khởi nghiệp”, anh Hiển nói.

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/khoi-nghiep-nhin-tu-bai-hoc-thanh-cong-cua-u22-viet-nam-1497208.tpo