Khởi nghiệp tại địa phương: Không nên đi 'một mình'

Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương vẫn còn thiếu và yếu so với các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các đô thị lớn. Vì thế, kết nối, liên kết với nhau là điều kiện cần cho sự phát triển bền vững của cộng đồng này.

Nếu đi "một mình", hoạt động khởi nghiệp sẽ manh mún. Ảnh: Internet

Tại một cuộc hội thảo mới đây về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạọ địa phương do Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Phạm Ngọc Huy, giám đốc chương trình thúc đẩy kinh doanh của Vietnam Silicon Valley (VSV) cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có 2% số lượng là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thật sự, còn lại là vẫn là các mô hình kinh doanh truyền thống và có vận dụng một chút yếu tố đổi mới sáng tạo.

Vì thế, so với các doanh nghiệp tại đô thị lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng startup trong lĩnh vực như nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống,… tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương.

Tuy nhiên, hơn 90% trong số này vận hành theo mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển tuần tự, chưa có yếu tố đổi mới sáng tạo trọng sản phẩm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong khâu sản xuất.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do thiếu sự tham gia và hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong ngành cũng như các chương trình hỗ trợ, định hướng ngay từ giai đoạn đầu, dẫn đến startup không đủ năng lực để duy trì mô hình kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh và nhân rộng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Do đó, để hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ sinh thái, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Songhan Incubator cho biết, mỗi địa phương có những đặc thù và lợi thế riêng, do đó con đường để phát triển khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp chứ không thể sao chép lẫn nhau.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) chia sẻ thêm, các tổ chức hỗ trợ từ trung ương tới địa phương nếu đi một mình thì sẽ không thể thực hiện hiệu quả, mà cần thiết phải có sự liên kết và tận dụng nguồn lực của nhau. Dù là tận dụng nguồn nội lực hay ngoại lực thì yếu tố “kết nối” cần được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp đều nhìn nhận, thiếu sự tham gia của các cấp chính quyền, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sẽ “manh mún” và khó có được sự phát triển bền vững.

Để giải quyết những khó khăn trong việc kết nối đến mạng lưới chuyên gia chất lượng, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 nhấn mạnh, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin về chuyên gia và cố vấn chung về khởi nghiệp sáng tạo để các cơ quan, đơn vị có thể kết nối từ một nguồn uy tín là một trong các hoạt động trọng tâm Đề án 844 thời gian tới.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khoi-nghiep-tai-dia-phuong-khong-nen-di-mot-minh-117512.html