Khởi nghiệp từ xuất khẩu lao động

Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị quyết định khởi nghiệp bằng việc đăng ký xuất khẩu lao động. Không chỉ mong muốn tìm thấy công việc với mức thu nhập cao, họ còn quyết tâm học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, tay nghề để mở ra nhiều cơ hội mới cho mình.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Tây Long

Trong chuyến khảo sát hoàn cảnh tân sinh viên cần được tiếp sức đến trường cách đây không lâu, chúng tôi khá ngạc nhiên khi một số em khẩn khoản đề nghị lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh nhường cơ hội cho bạn khác. Phần lớn các em này đều không lựa chọn học đại học mà tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài dù thi đỗ vào một trường đại học uy tín với điểm số cao, như em Lê Văn Đức (trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh). Ngay sau khi trải qua kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia, Đức làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động. Nói về quyết định của mình, Đức chia sẻ: "Gia đình em hoàn cảnh rất khó khăn. Bố em bị tàn tật, bà đã già yếu. Một mình mẹ em phải vất vả mưu sinh nuôi gia đình. Em biết con đường học tập của mình khó suôn sẻ được. Vì thế, em muốn đi xuất khẩu lao động để đỡ đần gia đình và trau dồi kỹ năng, tay nghề, sau này dễ tìm thấy một công việc ổn định".

Cũng chọn con đường xuất khẩu lao động như Đức, nhưng một số bạn trẻ lại xuất phát từ nỗi lo thất nghiệp. Từ thực tế, các em thấy nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, giỏi nhưng từ năm này sang năm khác vẫn chưa tìm được việc làm. Một số cử nhân phải cất tấm bằng vào ngăn kéo, xin đi làm công nhân giày da, may mặc với mức thu nhập trung bình. Xác định như vậy sẽ uổng phí thời gian, công sức, tiền bạc trong suốt 4 năm đèn sách trên giảng đường nên một số học sinh vượt qua kỳ thi THPT quốc gia quyết định tham gia thị trường xuất khẩu lao động. "Em có một anh trai đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Tuy công việc có phần vất vả, nhưng thu nhập khá cao. Đặc biệt, anh của em được học tập, nâng cao tay nghề và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Em cũng mong muốn có một cơ hội như thế" - Em Lê Thị Lân (trú tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) giãi bày.

Trước đây, xuất khẩu lao động được xem là "lãnh địa" dành riêng cho những người đứng tuổi, đã lập gia đình. Họ chọn “kênh” xuất khẩu lao động với nguyện vọng ra nước ngoài làm việc vài năm, kiếm được một số tiền nhất định để vực dậy kinh tế gia đình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định cao hơn nhiều so với thu nhập khi làm việc tại quê nhà. Mỗi tháng mỗi lao động tại nước ngoài thường tiết kiệm được khoảng 20-30 triệu đồng gửi về cho gia đình. Chính vì có thu nhập cao nên xuất khẩu lao động ngày càng thu hút nhiều thanh niên tham gia, trong đó, không ít người chỉ mới tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển Formosa, số thanh niên đăng ký tham gia xuất khẩu lao động có chiều hướng gia tăng mạnh. Tính riêng xã Gio Việt, huyện Gio Linh, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 200 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... Tại huyện Gio Linh, hiện có hơn 700 lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng các xã vùng biển như: Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, mỗi địa phương có vài chục người xuất ngoại làm việc.

Tuy xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa, hầu hết bạn trẻ đều nghiên cứu, cân nhắc kỹ và quyết định tham gia xuất khẩu lao động một cách nghiêm túc. Trước đó, các em và người thân đã tích cực tham gia những buổi tư vấn, truyền thông về xuất khẩu lao động do cơ sở Đoàn, đơn vị, doanh nghiệp... phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gio Linh cho biết: Tổng thu ngân sách hàng năm của huyện khoảng 25 đến 27 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là lượng tiền người lao động đang làm việc ở nước ngoài gửi về.

Trước tín hiệu đáng mừng ở Gio Linh, hiện nay, lãnh đạo một số địa phương khác đã tích cực xây dựng chính sách hỗ trợ cho người lao động nước ngoài như: Vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, hỗ trợ tiền khám sức khỏe, tập trung tuyên truyền, tư vấn... Nhiều công ty cam kết công khai, minh bạch các khoản thu trong xuất khẩu lao động; đào tạo nghề không thu tiền; đảm bảo việc làm đúng thỏa thuận... Vì thế, các bạn trẻ càng an tâm hơn khi đăng ký xuất khẩu lao động.

Theo nhận định của nhiều công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, các lao động ở độ tuổi từ 18 đến 35 thường có nhiều lợi thế hơn khi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Không chỉ có sức khỏe, quyết tâm tìm kiếm công việc ổn định, họ còn dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới; sớm thuần thục các kỹ năng cần thiết; khả năng hòa nhập với cuộc sống, công việc tốt. Đặc biệt, những lao động trẻ sau một thời gian làm việc sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để trở về làm việc tại quê hương. Cùng với đó, họ có cơ hội quay trở lại các thị trường lao động ở nước ngoài cao hơn.

Rõ ràng, trong điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn, vấn đề thất nghiệp trở nên nhức nhối thì việc nhiều thanh niên tìm cơ hội thông qua con đường xuất khẩu lao động là một tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đối với những thanh niên trẻ, mới bước vào đời, việc sang một đất nước, môi trường hoàn toàn mới để làm việc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các cấp chính quyền, đơn vị liên quan cần tích cực hỗ trợ các em. Bản thân những lao động trẻ phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực trau dồi kiến thức, tay nghề và kỹ năng sống.

Tây Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-nghiep-tu-xuat-khau-lao-dong/