Khởi nghiệp và đăng ký kinh doanh có nhiều khởi sắc

Tính chung hết Quý III/2017 đã có 93.967 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sau hơn 1 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP và 35/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần tạo dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về 1 Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, coi DN là động lực phát triển kinh tế.

Trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe, đối thoại với DN nhằm xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN, thu hẹp khoảng cách, hướng tới mục tiêu Chính phủ đồng hành cùng DN.

Cùng với những Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, tạo niềm tin và sự an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN.

Trung bình mỗi tháng đạt 10.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
(Ảnh minh họa: KT)

Đặc biệt, hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra mạnh mẽ ở các vùng, các địa phương, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đã tạo ra hiệu quả tích cực, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng, đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng và sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương trong cả nước.

Nhờ đó, kết quả khởi nghiệp, đăng ký kinh doanh có nhiều khởi sắc. Tính chung hết Quý III/2017 đã có 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 902.682 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký.

Vốn đăng ký bình quân trên 1 DN trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2017, số DN thành lập mới đạt 125.000 DN, tăng 13,5% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của DN dân doanh thành lập mới ước đạt 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 36,3%.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, DN và số vốn đăng ký mới liên tục tăng cao (trung bình mỗi tháng đạt 10.400 DN đăng ký thành lập mới), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra sôi nổi nhờ kết quả của quá trình cải cách, hình ảnh và môi trường kinh doanh đất nước được nâng lên rõ rệt trên trường quốc tế.

“Sau 8 tháng triển khai thực hiện, đã đạt được một số kết quả tích cực như thủ tục khởi sự kinh doanh được rút ngắn bớt 8 thủ tục và thời giảm xuống còn khoảng 9,5 ngày; thời gian cấp phép xây dựng giảm xuống còn 119 ngày”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Thông qua đổi mới công tác đối thoại giữa Chính phủ với DN, người dân thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhiều địa phương đã tổ chức thành công các cuộc đối thoại với DN và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho DN, đặc biệt là một số địa phương đã có sáng kiến đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương; thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện; khả năng tiếp cận nguồn lực của DN được nâng lên; vấn đề giảm chi phí cho DN được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo...

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg để tháo gỡ khó khăn cho DN và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tiếp tục rà soát danh mục và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành các mặt hàng. Xóa bỏ vị thế độc quyền trong hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch, có sự tham gia nhiều tổ chức.

Bên cạnh đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện kết nối thông tin giữa các bộ, cơ quan; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của DN. Phấn đấu năm 2018 cải thiện căn bản các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi một số chính sách về lựa chọn nhà đầu tư trong vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đầu tư theo hình thức đối tác công tư; chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp…

Chính phủ cũng tập trung phát triển mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, đồng thời có giải pháp phù hợp chuyển hộ cá thể sang DN cũng như khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/khoi-nghiep-va-dang-ky-kinh-doanh-co-nhieu-khoi-sac-685951.vov