Khối ngoại bán ròng: đi theo xu hướng chung của thế giới

Nếu loại trừ những giao dịch thỏa thuận đột biến thì kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng khoảng 6.800 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Động thái của khối ngoại trong thời gian tới sẽ đi theo hướng nào? Liệu họ có bán ròng nữa hay không và giá trị bán ròng còn lại là bao nhiêu?

Từ đầu quí 2 đến nay nằm trong một xu hướng chung là dòng tiền đầu tư quốc tế có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Ảnh: THÀNH HOA

Không tính thỏa thuận, khối ngoại bán ròng khoảng 6.800 tỉ đồng

Năm 2017, dòng vốn ngoại vào Việt Nam thiết lập mức cao kỷ lục. Tổng giá trị khối ngoại mua ròng trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam năm 2017 đạt 28.000 tỉ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương 1,23 tỉ đô la Mỹ. Khối ngoại tập trung mua ròng hầu hết các cổ phiếu đầu ngành, có tính dẫn dắt như VNM, GAS, HPG, VCB... Còn nếu tính cả thương vụ Thaibev bỏ ra gần 5 tỉ đô la Mỹ để mua 53,59% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam năm 2017 là hơn 6 tỉ đô la Mỹ.

Tiếp nối xu hướng này, trong quí 1-2018, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên tất cả các sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị khoảng 7.200 tỉ đồng. Nhóm ngành được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là thực phẩm, đồ uống, bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu quí 2-2018, hoạt động giao dịch của khối ngoại đã đảo chiều. Cùng với việc thị trường tạo đỉnh cao nhất từ trước tới nay khi chỉ số VN-Index đạt 1.204 điểm vào ngày 9-4-2018 và đi xuống từ đây, khối ngoại liên tục bán ròng. Nếu loại trừ những giao dịch thỏa thuận đột biến tại các cổ phiếu VHM, YEG, NVL, VIS thì khối ngoại đã bán ròng tổng cộng khoảng 6.800 tỉ đồng kể từ đầu năm đến nay thay vì mua ròng khoảng 28.500 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ) như các con số công bố. Các giao dịch thỏa thuận đáng chú ý gồm: ngày 20-4 có giao dịch thỏa thuận mua 52,2 triệu cổ phiếu NVL, trị giá 3.391 tỉ đồng; ngày 10-5 mua 33,2 triệu cổ phiếu VIS, trị giá 1.146 tỉ đồng; ngày 18-5 mua thỏa thuận 249 triệu cổ phiếu VHM, trị giá 28.548 tỉ đồng; ngày 27-6 mua thỏa thuận 7,8 triệu cổ phiếu YEG, trị giá 2.356 tỉ đồng. Bước sang tháng 8, trong hai tuần giao dịch đầu tiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng cả tám phiên giao dịch, với giá trị bán ròng đạt 1.532 tỉ đồng.

Động thái bán ròng có tiếp diễn?

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam (chỉ tính khớp lệnh) kể từ đầu quí 2 đến nay nằm trong một xu hướng chung là dòng tiền đầu tư quốc tế có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Ban đầu nhiều ý kiến cho rằng khối ngoại bán ròng thời gian qua chỉ là hoạt động cơ cấu lại danh mục, bán chứng khoán trên sàn để mua gom các cổ phiếu tiềm năng như VHM, TCB... chứ không rút tiền ra khỏi TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ, lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), rủi ro xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và bất ổn tại những thị trường mới nổi (điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ gần đây) đang khiến cho các thị trường cận biên và mới nổi không còn quá hấp dẫn nhà đầu tư.

Dữ liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy kể từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút tổng cộng 19 tỉ đô la Mỹ khỏi sáu thị trường mới nổi lớn nhất châu Á là Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philippines và Thái Lan - một con số rất lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Các dòng vốn đầu tư mang tính dài hạn còn lại trên TTCK Việt Nam lại khó đo lường và dự báo hơn. Với bối cảnh thế giới không thật sự thuận lợi, khó có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế lớn trong nửa cuối năm 2018.

Tuy vậy, ở góc nhìn tích cực hơn, mặc dù khối ngoại liên tục bán ròng, nhưng số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và tổ chức vào TTCK Việt Nam vẫn tăng đều qua từng tháng từ đầu năm đến nay, trong đó số lượng nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chiếm áp đảo. Cụ thể, trong bảy tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 3.000 tài khoản cá nhân được mở trong khi số tài khoản tăng thêm của nhà đầu tư tổ chức là gần 300 tài khoản. Điều này phần nào cho thấy TTCK Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhất định với khối ngoại.

Cũng theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, giai đoạn bán ròng mạnh nhất của khối ngoại có thể đã qua khi giá trị mua ròng lũy kế của khối này kể từ đầu năm 2017 đến nay (thời điểm các dòng vốn nước ngoài ngắn hạn bao gồm các quỹ ETFs, P-Notes... bắt đầu đổ mạnh vào TTCK Việt Nam) chỉ còn hơn 2.000 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, các dòng vốn đầu tư mang tính dài hạn còn lại trên TTCK Việt Nam lại khó đo lường và dự báo hơn. Với bối cảnh thế giới không thật sự thuận lợi (Fed thắt chặt tiền tệ, giới đầu tư quốc tế không còn quá mặn mà với các tài sản rủi ro), khó có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế lớn (đặc biệt từ Mỹ và châu Âu) trong nửa cuối năm 2018. Do khó có thêm dòng tiền mới, khối ngoại có thể sẽ tăng cường hoạt động tái cơ cấu danh mục nếu muốn mua thêm các cổ phiếu mới niêm yết, điển hình là các doanh nghiệp nhà nước mới phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277438/khoi-ngoai-ban-rong-di-theo-xu-huong-chung-cua-the-gioi-.html