Khối ngoại bán ròng nghìn tỷ, chứng khoán Việt đang kỳ 'lửa thử vàng'?

Thống kê từ 9/4 tới 5/7, khối ngoại đã bán ròng 6.500 tỷ thay vì mua ròng 24.000 tỷ đồng.

Chứng khoán Việt Nam đang trải qua nhiều phiên tăng giảm khốc liệt, nhiều Người đầu tư bất an khi chứng khoán liên tục "đỏ lửa"

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những phiên giao dịch tăng - giảm khốc liệt từng ngày. Nhà đầu tư nước ngoài bán tháo nhiều cổ phiếu blue-chips.

Trong phiên mở cửa sáng ngày 6/7, VN-Index đã lao dốc mạnh xuống ngưỡng 885 điểm, tương đương mất 14 điểm với hàng loạt bluechip chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên sau đó, nhờ sự khởi sắc trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã đảo chiều ngoạn mục khi leo thẳng gần 23 điểm, đóng cửa phiên sáng trên mức 908 điểm, mức cao nhất trong phiên. HNX-Index thậm chí còn hồi phục ấn tượng hơn khi tăng tới gần 2,5%.

Tính từ khi tạo đỉnh trong phiên 9/4 với 1.204 điểm tới nay, chỉ số Vn-Index đã “bay hơi” hơn 300 điểm, tương ứng mức điều chỉnh 25% và trở thành thị trường có diễn biến tệ nhất Thế giới trong cùng giai đoạn. Thống kê từ 9/4 tới 5/7 cho biết khối ngoại đã bán ròng khoảng 6.500 tỷ đồng trên HOSE.

Những cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ 9/4 tới 5/7 có thể kể tới VIC (7.500 tỷ đồng), TCB (1.700 tỷ đồng), VJC (1.365 tỷ đồng), VRE (650 tỷ đồng), HPG (528 tỷ đồng), MSN (547 tỷ đồng), KBC (370 tỷ đồng), BID (290 tỷ đồng), HSG (245 tỷ đồng), CII (204 tỷ đồng).

Trong hàng chục đơn vị đầu tư đang hoạt động tại thị trường, có ít nhất 13 công ty, quỹ đầu tư tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) âm trên 2% trong nửa đầu năm 2018. Đứng đầu trong danh sách sụt giảm là Hestia - một doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Nửa đầu năm 2018, công ty đầu tư này giảm 19,4% về giá trị NAV, đứng đầu trong danh sách những quỹ, công ty đầu tư có mức sinh lời kém nhất.

Một công ty khác có liên quan với Hestia là Passion Investment cũng đứng thứ 4 trong danh sách với mức sụt giảm 8,6% NAV so với đầu năm.

Cả những tên tuổi lớn như Pyn Elite Fund, hay quỹ tỷ đô như Dragon Capital VEIL cũng chịu chung cảnh lỗ khi ghi nhận mức độ sụt giảm NAV lần lượt là 5,9% và 3,5%.

Theo SSI, khó có một lý giải đầy đủ về nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng. Một điều tương đối dễ nhận thấy là xu hướng bán ròng đã xuất hiện vào đầu tháng 2, thời điểm thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, cục diện kinh tế và lãi suất trên thế giới thay đổi khi chính quyền của Donald Trump quyết liệt thực thi các chính sách bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ.

Khả năng FED nâng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và rủi ro về cuộc chiến thương mại lan rộng rất có thể đã có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn IPO và lên niêm yết cũng có thể dẫn đến việc cơ cấu lại danh mục của các quỹ nước ngoài – SSI cho hay.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho rằng, trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của NĐT trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh.

Trước việc sụt giảm của thị trường, ông Dũng khuyên NĐT bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến TTCK. 'Tôi tin rằng các NĐTNN vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện NĐTNN rút hết vốn', ông Dũng khẳng định. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhìn nhận ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, TTCK Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/khoi-ngoai-ban-rong-nghin-ty-chung-khoan-viet-dang-ky-lua-thu-vang-1296806.tpo