Khối ngoại gom mạnh nhất mã nào trong tháng mua ròng kỷ lục 17.000 tỷ đồng?

Sự phục hồi của VN-Index trong tháng 11 có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, với tổng giá trị mua ròng trong tháng lên tới 16.911 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tháng 11 vừa qua ghi nhận nhiều kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index đã có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh nhất thế giới khi thủng đáy 900, về vùng 880 điểm trong phiên 16/11; tuy nhiên sau đó lại tăng trưởng mạnh trong 5 phiên cuối tháng 11 để tiến lên vùng 1.048 điểm. Kết tháng 11, VN-Index đã lấy lại 137 điểm (tăng hơn 15%) so với mức đáy hồi giữa tháng 11. Mức giảm từ đầu năm theo đó thu hẹp đáng kể từ trên 40% xuống còn 30%.

Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng giá trị mua ròng trong tháng 11 trên toàn thị trường đạt 16.911 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn so với mức mua ròng hơn 22.800 tỷ đồng hồi tháng 5/2018.

Tuy nhiên, lượng mua ròng hồi tháng 5/2018 được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận đột biến 28.548 tỷ đồng tại mã chứng khoán Vinhomes (VHM). Nếu loại bỏ thì giao dịch này thì khối ngoại tháng đó vẫn ghi nhận trạng thái bán ròng.

Trong tháng 11/2022, nhà đầu tư ngoại mua ròng 15.906 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh - kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam; cộng thêm mua ròng hơn 1.005 tỷ thỏa thuận. Đà mua ròng diễn ra ngay cả trong nửa đầu tháng trong bối cảnh chỉ số giảm mạnh.

Nếu xét theo từng sàn, khối ngoại mua ròng 15.975 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 780 tỷ đồng trên HNX và rót ròng 156 tỷ đồng trên UPCoM.

Lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2022, khối ngoại mua ròng 15.904 tỷ đồng; trong khi trước đó, 10 tháng đầu năm ghi nhận bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong vòng 11 tháng, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 17.907 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 11, dòng tiền ngoại ghi nhận lực mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu VHM, giá trị mua ròng đạt 1.727 tỷ đồng. Sau khi lùi về vùng giá 44.00 đồng (phiên 7/11), thấp nhất kể từ tháng 3/2020, cổ phiếu của Vinhomes đã bật tăng lên vùng 56.000 đồng (phiên 30/11).

Ngoài VHM, lực mua ròng của khối ngoại còn tập trung mạnh tại cổ phiếu STB và KDH, giá trị lần lượt đạt 1.320 tỷ và 1.171 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này trong nửa cuối tháng 11 cũng vận động tương đối khởi sắc, thị giá đã tăng lần lượt 32% và 44% so với đầu tháng.

Trong khi đó, giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ ghi nhận tại cổ phiếu HPG (1.096 tỷ), SSI (1.045 tỷ) và MSN (1.003 tỷ). Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng hơn 915 tỷ đồng tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND, 841 tỷ đồng tại VIC và 745 tỷ đồng tại CTG.

Ngược lại, cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát ghi nhận mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại trong tháng 11 vừa qua, giá trị đạt 327 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu bất động sản khác như NVL, DXG cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong tháng 11 với giá trị lần lượt đạt 141 tỷ đồng và 137 tỷ đồng.

Tại Talkshow “Phố Tài chính” phát sóng trên VTV ngày 28/11, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho rằng mọi năm, tháng 11 là thời điểm các quỹ hay các nhà đầu tư lựa chọn nhìn lại và cơ cấu danh mục của mình. Nguyên nhân là bởi hết quý 3, phần lớn những diễn biến của nền kinh tế trong năm đã được phản ánh và nhà đầu tư chuẩn bị các phương án cho năm sau.

Năm nay bối cảnh kinh tế còn nhiều áp lực về lãi suất, tỷ giá và tổng cầu giảm khiến các nhà đầu tư còn những thận trọng. Tuy nhiên về dài hạn, thị trường đã phản ánh phần lớn những khó khăn của nền kinh tế và có mức chiết khấu sâu khiến giá của nhiều doanh nghiệp tốt trở nên hấp dẫn.

Năm 2023, dù có xu hướng đà tăng lợi nhuận giảm nhưng bà Hiền dự báo các doanh nghiệp niêm yết sẽ vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tăng từ 12%-14%. Với mức này thì thu nhập từ thị trường chứng khoán sẽ rơi vào khoảng 14%, có nghĩa hấp dẫn hơn gửi tiền tiết kiệm.

Gần đây, ETF Fubon – một trong số những ETF lớn từ Đài Loan (Trung Quốc) có thông báo sẽ huy động khoảng 4.000 tỷ để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy thời điểm tài sản trên thị trường chứng khoán trở nên rất rẻ và bắt đầu giải ngân.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khoi-ngoai-gom-manh-nhat-ma-nao-trong-thang-mua-rong-ky-luc-17000-ty-dong-post15000.html