'Khơi nguồn nông sản Việt'

Đó là chủ đề Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ ba do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức sáng 14-10, tại Hà Nội.

Thật chẳng ngẫu nhiên mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức diễn đàn này. Bởi vấn đề tiêu thụ nông sản luôn thu hút sự quan tâm không chỉ của người nông dân, mà còn đối với các nhà quản lý, các nhà khoa học. Tiêu thụ nông sản cũng không chỉ là vấn đề trong nước, mà còn liên quan đến nhiều nước, khi nền kinh tế Việt Nam chủ động mở cửa và hội nhập sâu rộng đối với kinh tế thế giới. Sản xuất nông nghiệp tạo ra hàng hóa có giá trị đã có những thành công, nhưng cũng không ít thất bại. Tình trạng “được mùa, rớt giá” không còn là chuyện hiếm trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nông sản có chất lượng, năng suất cao, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, giá cả bấp bênh… gây tâm lý e ngại trong sản xuất và đầu tư sản xuất của người nông dân, là rào cản lớn cho việc thực hiện chủ trương thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.

Nhìn vào thực tiễn, chúng ta vui mừng khi nói đến nông sản Việt Nam, nhiều nước trên thế giới không chỉ nhắc tới gạo, mà còn là nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang... rồi chất lượng các loại cá, tôm… Tuy vẫn còn những mặt, những vấn đề cần tiếp tục giải quyết, nhưng những tín hiệu tích cực trong sản xuất, tiêu thụ nông sản Việt thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng básản phẩm… tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp…

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn cho thấy sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn khá manh mún, quy mô nhỏ, tình trạng nông sản làm ra không có thị trường tiêu thụ xuất hiện khá phổ biến. Thông tin những ngày gần đây, bà con ở Bình Thuận phải chặt bỏ rất nhiều thanh long để chuẩn bị cho vụ mới do không có thị trường tiêu thụ thực sự là điều hết sức đáng buồn. Đây cũng không phải lần đầu tiên, mà câu chuyện "giải cứu" thịt lợn; rau quả... hẳn chưa ai quên. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta. Một vấn đề nữa, các sản phẩm của ngành nông nghiệp nước ta hiện vẫn chủ yếu sản xuất thô, chế biến sâu ít, sản xuất tự do theo thói quen… Thậm chí, điều đáng bàn nhất là tư tưởng tiểu nông của người nông dân. Tư tưởng “mưa lúc nào mát mặt lúc đấy” thực sự đang là lực cản lớn trong tổ chức sản xuất, bảo đảm chất lượng, giữ chữ tín cho từng mặt hàng, từng loại sản phẩm.

Nhìn thấy rõ thực trạng, xác định cụ thể nguyên nhân sẽ giúp các cơ quan chức năng có những giải pháp hữu hiệu không chỉ nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản Việt, mà còn giúp ngành nông nghiệp phát huy hết mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều đặc biệt, cần thay đổi tư duy thị trường nông sản Việt Nam hiện nay không chỉ là thị trường của hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà đó là thị trường phục vụ 7 tỷ người trên thế giới. Do vậy, vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương… gắn chặt thị trường trong nước với thị trường toàn cầu để khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của đất nước.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-nguon-nong-san-viet-552042