Khởi nguồn sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu

Diễn đàn kinh thế thế giới Asean 2018 (WEF Asean) đã thành công tốt đẹp. Diễn đàn lần này được đánh giá là một trong những diễn đàn thành công nhất trong 27 năm qua, đây là ngày hội giao lưu của các ý tưởng, nơi khởi nguồn của những sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu.

Chủ tịch của diễn đàn Giáo sư Klaus Schwab đánh giá: "Diễn đàn không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn cả về mặt tổ chức, 8.000 tin bài về diễn đàn đã dược phát trên các mạng chính thống toàn cầu. Trong đó có gần 3.000 bài nói về lãnh đạo Việt Nam, số lượng tin bài gấp gần 4 lần so với hội nghị năm 2017. Ngoài ra 6,7 triệu người đã trực tiếp theo dõi diễn đàn trên Facebook và Twitter; 13.000 góp ý bình luận về sự kiện này.

Cần chú trọng đào tạo lao động đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh Công Thương)

Đã có 90.000 người trực tiếp theo dõi các phiên thảo luận, đã có 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và nhiều nhà lãnh đạo khu vực và thế giới cũng đã tham dự. Ba chủ đề chính của WEF đề xuất trong diễn đàn là: Nền kinh tế và kinh doanh năng động, an sinh xã hội, quản trị khu vực và toàn cầu. Diễn đàn xác định các nước Asean cần đầu tư hơn nữa cho việc tăng năng suất lao động tiếp tục thực hiện các thỏa thuận thương mại để phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Riêng đối với Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn và xuất khẩu tăng trưởng cao, tuy nhiên cần coi trọng thị trường nội địa trên cơ sở phát triển các mô hình phân phối tiên tiến ở trong nước. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng vẫn còn những điểm nghẽn như năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với một số nước Asean.

Việc quản lý môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên cần chặt chẽ và hiệu quả hơn, cần phát huy những thế mạnh về các ngành kinh tế như kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, công nghệ thông tin, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản v.v. Công nghiệp hóa trước hết là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn. Muốn phát triển kinh tế nhanh và bền vững cần đặc biệt chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay và trong tương lai. Bên cạnh những cơ hội cho sự phát triển thì Việt Nam cũng còn gặp nhiều thách thức. Đó là vấn đề giảm việc làm khi công nghệ mới khi robot - công nghệ thay thế con người ở các dây chuyền sản xuất. Vì vậy sẽ có một số lao động dôi dư. Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và các doanh nghiệp trước mắt cũng như lâu dài.

Rõ ràng cuộc cách mạng này là một sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ khoa học kỹ thuật và cả tư duy hành động và những chính sách của từng nước cho phù hợp với những mô hình phát triển mới. Bài phát biểu của Ngài chủ tịch diễn đàn và Thủ tướng chính phủ Việt Nam cho ta thấy cuộc cách mạng 4.0 sẽ đem lại cho từng quốc gia quy mô phát triển to lớn hơn, năng suất lao động cao hơn, thu nhập đời sống của người lao động sẽ được cải thiện hơn.

Cách mạng 4.0 không để lại ai ở phía sau, phấn đấu xóa đói giảm nghèo, khoảng cách giàu nghèo sẽ được thu hẹp. Người lao động được làm việc, học tập và sáng tạo trong một môi trường cạnh tranh thực sự. Trên cơ sở các ý kiến tại diễn đàn, chúng ta đã nhận thức được về những bài học của những nước đã đi trước, đặc biệt là một số nước có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp như Việt Nam.

Chính vì vậy chúng ta cần đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao để đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Chính phủ đã định hướng sau 10 năm thì Việt Nam sẽ phấn đấu vào tốp 15 nước phát triển nông nghiệp của thế giới. Tuy nhiên cần phải lưu ý, hiệu quả của các chuỗi sản xuất phấn phối của ngành nông nghiệp phải đảm bảo hài hòa các lợi ích, trước hết là lợi ích của người sản xuất.

Nếu người nông dân còn chưa sống khỏe trên mảnh đất của mình thì cuộc cách mạng 4.0 trong nông nghiệp chưa thể trọn vẹn. Điều quan trọng là hiệu quả của các chuỗi sản xuất phân phối của các sản phẩm nông nghiệp được hài hòa các lợi ích giữa các thành tố trong các chuỗi đó. Về hệ thống phân phối quốc gia là đầu ra của xã hội, phân phối là một trong 6 nhà mà thủ tướng Chính phủ đã xác định trong chuỗi sản xuất phân phối quốc gia, hệ thống phân phối cần có hạ tầng đồng bộ hiện đại, giao dịch mua bán phải minh bạch, công khai, các bên đều có lợi, đảm bảo kiểm soát, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa bằng các công nghệ mới của cuộc cách mạng này.

Trong vấn đề này yếu tố con người là rất quan trọng, máy móc thiết bị khoa học có thể có nhưng nếu con người làm không có đạo đức, vì lợi nhuận mà vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì chất lượng phát triển kinh tế chưa được toàn diện và triệt để. Cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 là rất to lớn và không chờ chúng ta. Chính vì vậy ngoài những cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước thì bản thân từng doanh nghiệp, từng tổ chức cá nhân kinh doanh phải tự giác để vươn lên nắm vững những thành quả mới của cách mạng công nghệ 4.0, làm chủ những khoa học đó nhằm phục vụ sản xuất, phân phối và phục vụ cho doanh nghiệp mình.

Tất cả những điều đó nói lên: Công nghiệp 4.0 là do con người sáng tạo ra và thực hiện, thì những thành quả cũng phải đem lại hạnh phúc cho từng thành viên trong xã hội. Vì vậy, VN cần coi trọng công tác giáo dục, đào tạo con người để thực hiện cuộc cách mạng này để đưa đất nước từng bước tiến lên trở thành một trong những nước tiên tiến trên thế giới trong tương lai không xa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khoi-nguon-sang-tao-mang-tam-chien-luoc-toan-cau-80244.html