Khơi nguồn tình yêu với sách

Không chỉ với người lớn, sách trước mắt trẻ thơ còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu.

Minh họa Tiến Thành.

Bàn về vai trò vô cùng to lớn của sách, nhà văn Macxim Gorki đã từng nhận định: “Mây đen có thể che được ánh sáng Mặt trời, nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại”. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống.

Không chỉ với người lớn, sách trước mắt trẻ thơ còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu. Vậy nên, rèn luyện thói quen đọc sách sẽ giúp ích cho con người mở mang kiến thức, nâng tầm văn hóa mỗi ngày. Đặc biệt, trong nhà trường, đọc sách có lẽ là con đường ngắn nhất, phương pháp hữu hiệu nhất để học trò học giỏi môn Ngữ văn một cách tự nhiên và bền vững.

Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa bùng nổ, sách là con đường lớn nhất để mọi người tiếp nhận tri thức. Sách, báo là phương tiện gần như là duy nhất để mở mang hiểu biết hay thư giãn trong thời gian nhàn rỗi, nghỉ lễ, nghỉ Tết.

Sách trở thành người thầy lớn của mỗi người, thậm chí có những cuốn sách được gối đầu giường, nâng niu như bảo vật. Sách được đọc đi đọc lại đến cũ mềm, rách gáy rách bìa, sau đó bao bọc, đóng lại cẩn thận để những người khác tiếp tục mượn đọc.

Ngày nay, ngoài sách ra, mỗi người còn có các con đường khác để tiếp thu tri thức như phim ảnh, truyền hình, Internet… Văn hóa đọc thực sự đang đứng trước những biến động to lớn và có những thay đổi về chất. Thói quen đọc sách, tiếp cận với sách ngày một phai nhạt.

Vào mỗi gia đình, đến những tụ điểm công cộng, hầu như ta ít thấy mọi người cầm sách để đọc. Thay vào đó, chiếc điện thoại thông minh lúc nào cũng có sẵn trong tay. Sách trở thành đối tượng bị thờ ơ, lạnh nhạt.

Cùng với những tác động to lớn từ đời sống văn hóa - xã hội, thực trạng việc đọc sách của học sinh trong nhà trường hiện nay rất đáng lo ngại.

Phần nhiều học sinh không quan tâm, thậm chí là sợ việc đọc sách. Chính việc học sinh không mấy mặn mà với hầu hết các loại sách, từ sách khoa học, sách văn học đến các sách bổ trợ kiến thức khác đã làm cho môn Ngữ văn chưa thực sự hứng thú, chưa có những chuyển động tích cực và dẫn đến không ít học sinh có kết quả môn học này khá thấp.

Học sinh đi học thêm môn Ngữ văn nhưng cũng không mấy tiến bộ, vì lẽ giản đơn là học để giáo viên chiếu cố cho điểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đọc sách của học sinh trong nhà trường hiện nay chưa được chú trọng. Trước hết, đó là do sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại đã làm cho tuổi mới lớn chú tâm hơn với các phương tiện nghe nhìn. Học sinh thích hưởng thụ những dạng văn hóa tầm thường nên dễ sa vào thế giới ảo.

Ngoài ra, việc gia đình và nhà trường không có kế hoạch bồi đắp, nuôi dưỡng và nêu gương tình yêu đối với sách cho các em đã khiến học sinh chán sách, quay lưng với sách.

Ảnh minh họa ITN.

Đọc sách gì có thể đọc được, miễn là hữu ích, có nội dung và tư tưởng lành mạnh chính là phương pháp giúp mỗi học sinh tiếp thu tri thức và chuẩn bị những hành trang quý báu vào đời.

Đọc sách văn học sẽ trực tiếp rèn luyện và trau dồi ngôn ngữ văn chương, cách diễn đạt trôi chảy và nhất là bồi đắp cảm xúc thẩm mỹ, nhờ đó mà dễ dàng cảm thụ, đánh giá một tác phẩm văn học. Học sinh trong nhà trường đọc nhiều sách văn học sẽ giúp các em không còn sợ môn Ngữ văn, tự tin trong làm bài và thường đạt điểm khá, giỏi. Đó là cơ sở và điều kiện tiên quyết để học sinh yêu thích môn Ngữ văn.

Từ những tác phẩm văn học trên lớp làm nền tảng, học sinh sẽ đọc những cuốn sách mở rộng liên quan đến bài học, chắc chắn sẽ giúp các em có thêm những tư liệu mới để dẫn chứng, rèn luyện kỹ năng hành văn. Trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn đổi mới năm 2018, việc tạo thói quen đọc sách là điều kiện tốt nhất để các em sẵn sàng từ bỏ học và làm bài theo văn mẫu.

Từ những phân tích trên, thiết nghĩ rằng, tạo thói quen đọc sách là con đường ngắn nhất, là phương pháp hữu hiệu nhất để học sinh học tốt môn Ngữ văn. Đọc nhiều sách sẽ nâng cao khả năng cảm thụ tác phẩm, giúp cho học sinh có thêm vốn từ vựng ngày một phong phú và những kiến thức bổ sung thú vị. Từ đó, hình thành văn hóa đọc và có hứng thú hơn với môn Ngữ văn trên lớp.

Tuy nhiên, ngoài khả năng tự thân của mỗi học sinh rèn luyện việc đọc sách, cha mẹ trong gia đình, thầy cô ở nhà trường phải là những người đi tiên phong làm gương, đồng thời là những người bạn biết chia sẻ với các em việc đọc sách, trao đổi thông tin về sách.

“Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới”, “không có sách thì không có tri thức”. Đó là những câu nói bất hủ về sách. Khép lại bài viết này, xin dẫn mấy câu thơ mà tôi đã thuộc lòng từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, xem đó như là “kim chỉ nam” để hôm nay có một ít vốn liếng cần thiết trong giảng dạy và đến với nghề viết văn lắm nỗi nhọc nhằn:

“Mấy lời nhắn bạn nhỏ to

Muốn học văn giỏi, nhớ cho một điều

Sách, báo phải đọc cho nhiều

Lời hay, ý đẹp ghi đều sổ tay

Thuộc lòng những đoạn văn hay

Những câu thơ đẹp ngày ngày chớ quên”.

Lê Thành Văn (Giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX Buôn Hồ, Đắk Lắk)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-nguon-tinh-yeu-voi-sach-post664211.html