Khôi phục rừng luồng ở Thanh Hóa: Giúp người dân miền núi giảm nghèo

Nhằm bảo tồn và phát triển rừng luồng đang suy thoái trên địa bàn, UBND huyện Thường Xuân đang triển khai đề án cải tạo, khôi phục rừng luồng (giai đoạn 2016-2020). Vì vậy, Ban quản lý đề án đã cấp phân bón cho 395 hộ dân sống tại 3 xã Tân Thành, Luận Thành, Xuân Cao trồng thâm canh cây luồng. Hiện tổng diện tích rừng luồng đã trồng trên địa bàn là 380 ha, số lượng măng ra nhiều và mập gấp 4 lần so với trước khi thực hiện đề án.

Cây luồng - cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi Thanh Hóa. Ảnh: thanhhoa.gov.vn.

Thường Xuân là huyện miền núi khó khăn, cuộc sống của người dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng; trong đó cây luồng được xem là cây giúp người dân giảm nghèo. Nhờ trồng luồng, nhiều người dân đã phát triển kinh tế để vượt qua đói nghèo, tuy nhiên do khai thác nhiều mà không trồng bổ sung đúng kĩ thuật nên rừng luồng đang dần suy thoái, chất lượng giảm mạnh.

Do đó, thực hiện đề án trên không chỉ giúp cải tạo, phục hồi chất lượng rừng luồng, mà đề án còn tạo thêm việc làm cho nhân dân thông qua việc phát triển kinh tế rừng, góp phần bảo tồn môi trường rừng sinh thái.

Để thực hiện đề án, UBND huyện Thường Xuân đã phối hợp với UBND các xã để xác định số hộ tham gia phục tráng, trồng thâm canh rừng luồng. Khi trồng mỗi hộ có 0,5 ha rừng được huyện cấp 192,3 kg phân bón.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã thực hiện tốt bảo vệ rừng, không khai thác luồng mùa măng mọc, chuyển giao các tiến bộ khoa học vào trồng cây luồng, cải tạo rừng luồng nghèo kiệt, chặt bỏ cây bị sâu phá hoại. Đồng thời, hướng dẫn người dân bón phân, vun gốc, trồng thêm nhiều cây luồng mới.

Ngoài ra, huyện cũng phối hợp các đơn vị trong tỉnh để mở lớp tập huấn kiến thức cho người dân về trồng thâm canh cây luồng. Hàng tuần, huyện luôn cử cán bộ phòng nông nghiệp xuống các xã để hướng dẫn người dân trồng luồng.

Anh Lê Ngọc Hạnh, thôn Thống Nhất, xã Xuân Cao cho biết, năm 2010 anh trồng keo, lát để phát triển kinh tế rừng, nhưng thu nhập không được nhiều do các loại cây trên trồng rất lâu mới thu hoạch. Năm 2016, anh đăng kí tham gia đề án cải tạo, phục tráng rừng luồng và được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền phân bón.

Ban đầu trồng thâm canh rừng luồng khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ xã, gần 1 ha diện tích cây luồng đang phát triển tốt, thêm vào đó anh chăn nuôi, trồng cây hái quả. Hiện tổng diện tích trồng rừng của anh là 3 ha; trong đó có 1 ha rừng luồng, 2 ha cây keo, lát, 1 chuồng chăn nuôi 9 con bò và 1 ha trồng rau, các loài cây hái quả, thu nhập bình quân gia đình anh đạt 70 triệu đồng/năm.

Cũng là một hộ thuộc diện tham gia đề án cải tạo, phục tráng rừng luồng, anh Lương Công Bằng, thôn Xuân Thắng, xã Xuân Cao cho biết, anh tham gia đề án được hỗ trợ 576,9 kg phân bón cho 1,5 ha. Nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuật trồng thâm canh, hơn 1,5 ha diện tích trồng cây luồng của anh đang phát triển tốt và cho thu nhập cao.

Ông Vi Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Xuân Cao cho biết, năm vừa qua, xã trồng được 90/100 ha rừng kế hoạch trồng rừng tập trung. Đối với đề án phục tráng rừng luồng, xã có 92 hộ tham gia, mỗi hộ dân có 0,5 ha cây luồng được cấp 1 triệu đồng để mua 192,3 kg phân bón. Hiện toàn xã đã trồng được 57 ha rừng luồng.

Theo ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, những năm tới, huyện sẽ yêu cầu các đơn vị cung cấp giống đảm bảo chất lượng để cấp cho bà con trồng rừng và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nhân dân. Huyện cũng thực hiện trồng phục tráng 150 ha rừng luồng mới tại 2 xã Lương Sơn và Tân Thành.Thường Xuân sẽ phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 trồng được 1.000 ha cây luồng.

Nguyễn Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/khoi-phuc-rung-luong-o-thanh-hoa-giup-nguoi-dan-mien-nui-giam-ngheo-tintuc407659