Khởi sắc nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tháng 7-2011, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 449/KH-MT triển khai Cuộc vận động (CVĐ) 'Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững'.

CVĐ được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội, góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Kết quả, chỉ tính trong năm 2017 đã có 3.209 hộ đồng bào DTTS ở Gia Lai thoát nghèo.

Chuyển biến nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động

Theo ông Nguyễn Thành Nuôi, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, sở dĩ CVĐ đạt hiệu quả như vậy là nhờ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn đồng bào DTTS về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mở các lớp dạy nghề và định hướng việc làm cho đồng bào DTTS. Các ban ngành, đoàn thể tăng cường vận động đồng bào DTTS thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thực hiện Pháp lệnh Dân số... gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã đa dạng hóa việc tuyên truyền và chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở các làng đồng bào DTTS; phối hợp với già làng, người có uy tín và đội ngũ nhân viên y tế thôn, làng, xây dựng nếp sống mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.

Qua 6 năm thực hiện, CVĐ đã có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn tỉnh Gia Lai. Riêng năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở Gia Lai đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức 675 lượt buổi hướng dẫn, tuyên truyền với 73.762 lượt người tham dự bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, thông qua các hội nghị sơ kết thôn, buôn, làng; lồng ghép qua các hội thi và trong việc thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tiếp tục duy trì 67 mô hình, xây dựng mới 67 mô hình với 3.232 hộ gia đình tham gia thực hiện.

Đến thăm gia đình chị Siu H’Krốt (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) chúng tôi thấy rõ hiệu quả của sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trước năm 2012, gia đình chị Siu H’Krốt thuộc diện hộ nghèo. Được cán bộ địa phương đến tận nhà vận động tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn cách tiết kiệm chi tiêu nên gia đình chị từng bước thoát nghèo. Hiện tổng thu nhập của gia đình chị là trên 190 triệu đồng/năm.

Tại làng Sơr, xã Biển Hồ, TP Pleiku, cũng nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học vào trồng, chăm sóc cây cà phê, nên từ hộ nghèo anh Nhang (dân tộc Jrai) đã trở thành hộ gia đình có kinh tế khá. Đến nay, khu vườn của gia đình anh cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Nghề dệt thổ cẩm đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư đào tạo, phát triển trong các làng của người Jrai, Ba Na. Ảnh: ANH SƠN

Huy động mọi nguồn lực thực hiện

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nuôi cho biết, CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhất là đồng bào DTTS. Cùng với các phong trào, các CVĐ: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, CVĐ trở thành một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác của mặt trận các cấp ở Gia Lai. Đến nay, CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả trong triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, như: Huyện Kbang, Phú Thiện tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện CVĐ; huyện Kông Chro triển khai mô hình phát triển chăn nuôi dê tại xã Yang Nam và Đăk Kơ Ning, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia triển khai có hiệu quả cánh đồng mẫu lớn 200ha cây mía và 20ha cây chanh dây trong đồng bào DTTS; huyện Kbang có mô hình trồng chuối thuần chủng ở thị trấn, trồng chanh leo tại xã Đông và xã Nghĩa An, trồng sa nhân tím ở xã Sơn Lang, nuôi bò lai, vịt trời, vịt Bắc Kinh ở xã Lơ Ku… huyện Mang Yang với mô hình hoán đổi ngày công giúp nhau phát triển sản xuất trong đồng bào DTTS; các huyện: Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện có mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn hỗ trợ Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh; huyện Đắk Pơ triển khai mô hình cánh đồng mía lớn 32ha ở xã An Thành…

CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” ở Gia Lai đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS. Để CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai tiếp tục cường phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và các ban, ngành liên quan khảo sát về tình hình kinh tế của các hộ gia đình đồng bào DTTS thuộc diện nghèo để có giải pháp giúp đỡ thiết thực, như: Tư vấn chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương và khả năng của từng hộ gia đình; có biện pháp hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt gia đình để đầu tư tái sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khoi-sac-nho-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-535749