Khởi sắc nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 46,23% với nhiều vùng còn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Huy động nguồn lực, xây dựng mô hình, cách làm phù hợp để phát triển vùng DTTS là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Gia Lai trong những năm qua và từng bước hình thành lên một diện mạo nông thôn mới (NTM).

Diện mạo mới ở vùng dân tộc thiểu số

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương và khảo sát thực tế ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chúng tôi nhận thấy, diện mạo mới ở đây không chỉ có những con số ấn tượng, như: 58/184 xã đạt chuẩn NTM, trong đó hai đơn vị cấp huyện là TP Pleiku và thị xã An Khê có 100% xã đạt chuẩn NTM. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 88,5%, tiểu học đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 90%; hơn 77,5% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 19,71% (năm 2015) xuống còn khoảng 7,04 (cuối năm 2019)… Trong đó, có hai vấn đề cốt lõi hình thành lên một diện mạo mới. Thứ nhất, đồng bào DTTS đã thay đổi nhận thức từ bị động, trông chờ ỷ lại sang chủ động và dám nghĩ, dám làm. Hai là xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, gắn với thị trường, làm gia tăng giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong vùng DTTS.

Mô hình trồng cây cà gai leo để sản xuất trà và dược liệu của Hợp tác xã Tú An hướng đi táo bạo ở vùng dân tộc thiểu số.

Chị Hồ Thị Viên, Phó giám đốc Hợp tác xã Tú An (thị xã An Khê) là một trong những bạn trẻ người DTTS tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con xã viên trên địa bàn. Mô hình trồng cây cà gai bằng phương pháp hữu cơ để chế biến, sản xuất trà và các loại dược liệu; phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na… đang gặt hái được những thành công nhất định. Tương tự, anh Đinh A Ngưi, người dân tộc Ba Na, ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) lại chọn hướng đi mới từ tài sản quý giá của dân tộc mình, đó chính là văn hóa. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng khu du lịch cộng đồng của anh thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan mỗi năm và trở thành điểm không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Gia Lai. Chị Hồ Thị Viên chia sẻ: “Nếu như trước đây người Ba Na chỉ biết làm rẫy phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Dệt thổ cẩm cũng chỉ để sử dụng trong gia đình thì nay đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường và biết cách làm du lịch, dịch vụ”.

Không chỉ có những trường hợp nêu trên mà nhiều vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng cây mắc ca tại huyện Kbang; cánh đồng lúa một giống tại huyện Phú Thiện; trồng hồ tiêu hữu cơ tại huyện Đăk Đoa; cánh đồng mía lớn tại các huyện phía đông của tỉnh… Người dân và hợp tác xã nông nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp tạo ra những vùng nguyên liệu rộng lớn, các nhà máy, trung tâm chế biến nông lâm sản hiện đại. Tiêu biểu như tổ hợp nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.

Tập trung mọi nguồn lực phát triển vùng dân tộc thiểu số

Qua phân tích, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mang đến những khởi sắc trong vùng DTTS tỉnh Gia Lai thời gian qua. Đầu tiên phải kể đến chính là hiệu ứng từ các kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong vùng DTTS của Đảng, Nhà nước ta. Nhưng quan trọng hơn cả là tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai. Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh” đã thổi một luồng sinh khí mới cho phát triển vùng DTTS. Các nguồn lực, phong trào, mô hình, cách làm sáng tạo để phát triển vùng DTTS được triển khai đồng bộ như: "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", “Cơ quan, đơn vị giúp địa phương, cán bộ, đảng viên giúp hộ gia đình thoát nghèo”, “Cây lúa xen canh”, “Vườn cây kết nghĩa”, “Giảm một hộ đói, xóa một hộ nghèo”, “Bò giống cho người nghèo”, “Gắn kết hộ”, “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”...

Trong những năm tới, tỉnh Gia Lai đặt ra mục tiêu triển kinh tế-xã hội vùng DTTS một cách toàn diện, bền vững; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa vùng DTTS. Giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS xuống dưới 5% vào cuối năm 2025 và hơn 95% đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Không ngừng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết các dân tộc, tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ người DTTS…

Ông Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ thôn Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chia sẻ: Vùng DTTS đã có nhiều đổi thay so với trước đây nhưng vẫn là vùng trũng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để đạt được các mục tiêu trên cần huy động nguồn lực của toàn xã hội vào xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kinh tế-xã hội, thu hút doanh nghiệp đến vùng DTTS, chuyển đổi mô hình sản xuất, chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch, tạo ra nhiều việc làm mới để tăng thu nhập cho người dân. Đồng quan điểm đó nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh yếu tố chủ thể của đồng bào các DTTS. "Ở nơi đâu mà đồng bào chưa có ý thức tự giác, tự trọng vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu thì ở đó chưa thể phát triển", ông Dũng cho hay.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khoi-sac-nho-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-607792