Khởi sắc ở một xã nông thôn mới

Trong tiết trời se lạnh của miền Tây Bắc, được len lỏi dưới những vạt rừng, thung lũng, khe núi, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp tươi mới, đầy sức sống của cảnh vật, con người vùng Tây Bắc. Cùng với đó là hương vị thơm ngon đặc biệt của những món ẩm thực truyền thống, những điệu xòe, những chén rượu thơm bên bếp lửa làm ngây ngất lòng người… Và đó cũng chính là nhịp điệu của cuộc sống ấm no, đủ đầy đang bao trùm khắp núi rừng xã nông thôn mới Tà Mít, Tân Uyên, Lai Châu.

Mô hình nuôi cá lồng của ông Lường Văn Mới đang ngày càng phát triển và thu hút nhiều người dân đến tham quan, học hỏi. Ảnh: Nhật Minh

Bên bếp lửa của những nồi rượu ngô đang tí tách từng giọt thơm nồng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Mít, Lường Thanh Sáng cho biết: “Tà Mít là một trong những xã thuộc diện 135 của huyện Tân Uyên. Tỷ lệ hộ nghèo những năm trước chiếm trên 30% dân số, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa. Tập quán canh tác và một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Trước những khó khăn ấy, ngay từ khi được di chuyển đến nơi ở mới trên vùng đất tái định cư, xã Tà Mít đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, giúp bà con lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại nơi ở mới, như: Trồng ngô, lúa 2 vụ, trồng rừng, khai thác và tận dụng triệt để tiềm năng thủy sản lòng hồ thủy điện Bản Chát để ổn định cuộc sống với các sản phẩm chủ lực của xã là nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá tầm, cá diêu hồng, cá nheo Mỹ...

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực của người dân trong chăn nuôi trâu, bò và các loại gia cầm; thời gian qua, trên địa bàn xã còn có nhiều gia đình chủ động học hỏi, tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi và mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Lường Văn Mới, ở bản Chom Dưới với mô hình nuôi cá 3 lồng tại lòng hồ là một điển hình. Mỗi năm, ông xuất bán được khoảng 4 tạ cá trở lên. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, ông Mới còn hỗ trợ, hướng dẫn các gia đình khác trong bản phát triển kinh tế, chăn nuôi, đặc biệt là nuôi cá lồng, một hướng phát triển kinh tế mới đối với người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình trên địa bàn xã, anh Phạm Đức Công, Chủ tịch UBND xã Tà Mít chia sẻ: “Tà Mít bây giờ đã có nhà văn hóa xã với diện tích 150 chỗ ngồi được đầu tư xây dựng khang trang, 4/4 bản trong xã cũng có nhà văn hóa, đội văn nghệ; quy ước, hương ước của các bản được xây dựng, ban hành theo đúng quy định. Từ đó, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và hình thành nếp sống mới trên địa bàn toàn xã. Đến nay, toàn xã có 3/4 bản đạt danh hiệu Bản văn hóa, 82,3% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, số hộ nghèo giảm xuống còn 10,46%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm”.

Anh Phạm Đức Công cho biết thêm: “Đến nay, tất cả các bản đều có đội văn nghệ và thường xuyên tổ chức giao lưu, luyện tập vào những lúc nông nhàn. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thông qua các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ, các tổ chức, đoàn thể còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến từng người dân một cách kịp thời. Nhờ đó, trong quá trình phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhân dân trong xã đã hiến 2.500m2 đất, đóng góp trên 2.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa...”.

Được biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí môi trường luôn là bài toán khó đối với nhiều địa phương. Những đối với Tà Mít, nhờ thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đến nay, toàn xã có 74% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước hợp vệ sinh. Hằng tuần, các bản duy trì thường xuyên việc tổ chức cho nhân dân cùng quét dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phân loại, xử lý rác thải đúng quy định.

Trước khi chia tay, Bí thư Đảng ủy xã Lường Thanh Sáng hồ hởi nói với chúng tôi: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Tà Mít sẽ tập trung vào các giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất; phát huy lợi thế, tiềm năng vùng lòng hồ, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng từng tiêu chí đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-sac-o-mot-xa-nong-thon-moi/