Khởi sắc trên quê hương cách mạng ATK II

Là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ, Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, cơ quan biên tập và ấn loát các báo: Quyết Thắng, Phục Quốc..., vùng An toàn khu II (ATK II) thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là 'địa chỉ đỏ' cho những hành trình ôn lại truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Trái với hình dung của nhiều người về một vùng đất quật cường tranh đấu, song cũng là khu vực rừng núi nghèo khó, hiểm trở, ATK II hôm nay đang chuyển mình thay đổi từng ngày với nhiều thành tựu bước trên con đường xây dựng nông thôn mới (NTM) và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Ngô Đình Kế, lão thành cách mạng tại xã Xuân Cẩm kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh. Ảnh: Việt Hưng

Ông Ngô Đình Kế, lão thành cách mạng tại xã Xuân Cẩm kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh. Ảnh: Việt Hưng

Lửa cách mạng từ những xóm thôn

Lịch sử địa phương ghi lại rằng, vùng ATK II Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được manh nha hình thành từ năm 1938 với sự kiện đồng chí Hoàng Quốc Việt về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập ATK II tại khu vực giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa với huyện Phổ Yên và Phú Bình (Thái Nguyên). ATK II nhanh chóng trở thành địa bàn hoạt động an toàn của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và là nơi tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, nơi diễn ra nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của Trung ương Đảng, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ...

Từ khi thành lập cho tới khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Nguyễn Thị Thuận, Lê Thanh Nghị... về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân đùm bọc, che chở và bảo vệ an toàn. Xin được dẫn lời tâm huyết của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, nguyên Trưởng ban công tác đội ATK II rằng: "...Chưa có trường hợp nào do nhân dân ở đây làm lộ bí mật, chưa có trường hợp nào do người dân ở đây đầu thú khai báo. Nhân dân ở đây rất tốt, đồng bào ở đây đã hy sinh tất cả để bảo vệ cách mạng". Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận 16 xã ATK II của Trung ương ở tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm: Mai Đình, Hương Lâm, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hoàng Lương, Hoàng An, Quang Minh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Đại Thành, Hòa Sơn, Hoàng Thanh, Thái Sơn, Đồng Tân, Hùng Sơn và Thanh Vân.

Vậy là với mong muốn được phác họa nhiều thêm về một vùng đất mà ở đó có những người con anh dũng, kiên cường trong quá khứ, cần cù, sáng tạo trong hiện tại, chúng tôi về thăm Hiệp Hòa một ngày giữa tháng Tám. Xe vào địa phận huyện, bất giác tất cả chúng tôi đều nôn nao như đang sống lại trong những ngày sôi nổi và tràn đầy tinh thần yêu nước của người dân nơi thôn dã khi dọc hai bên đường nổi bật trên màu xanh hoa trái, hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trong gió. Nhân dân Hiệp Hòa đang chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám sớm hơn cả nước bằng sự tự hào không che giấu. Bởi ATK II Hiệp Hòa chính là nơi có xã Xuân Cẩm, làng Xuân Biều năm xưa đã đi vào lịch sử dân tộc với chiến công ngày 12-3-1945, từ ngôi đình Xuân Biều, cán bộ và nhân dân trong xã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất cả nước.

Điểm đến đầu tiên là đình Chợ Vân, xã Hoàng An. Ông Nguyễn Minh Đỗ (78 tuổi), thôn Hoàng Liên cho biết: "Đình Chợ Vân có cách đây khoảng 400 năm, những năm 1944-1945, là địa điểm quan trọng của ATK II. Cũng ở nơi đây, đồng chí đặc phái viên Lê Thanh Nghị và Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Nguyễn Trọng Tỉnh mở cuộc tuyên truyền xung phong vào ngày 15-3-1945". Một di tích đáng trân trọng khác là nhà bia Nội Đống Mú tại làng Vân Xuyên. Tại đây, năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hoàng Vân ra đời do đồng chí Lê Hoàng làm Bí thư đã tuyên truyền, giác ngộ một số gia đình nông dân và nhiều thanh niên yêu nước khác đi theo cách mạng.

Dấu ấn Xuân Cẩm

Mới đây, một niềm vui đến với Hiệp Hòa là xã Xuân Cẩm chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Niềm vui như rộn ràng hơn, tươi mới hơn trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lịch sử. Anh Nguyễn Quang Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Cẩm khoe rằng, người dân Xuân Cẩm có phong trào thể dục thể thao sôi nổi hơn cả thành phố. Buổi sáng, khi sương đêm vừa tan, mọi người đã đi bộ tập thể dục bên những vạt ruộng ngút ngàn.

Chiều về, khi việc đồng, việc nhà đã vãn, những đội chơi bóng chuyền hơi, cầu lông từ người già đến thanh niên thi nhau đua tài khắp sân bãi trong mỗi xóm thôn. Có được điều đó là nhờ xây dựng NTM thành công, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Xã đã có hàng loạt cửa hàng bán đồ gia dụng, điện máy để phục vụ nhân dân. Người dân trong xã mua ô tô chưa nhiều, nhưng đa phần các gia đình đều có xe gắn máy, có điều hòa nhiệt độ chống chọi với nắng nóng. Anh Liên bật mí rằng, vấn đề then chốt cho kinh tế phát triển là dồn điền đổi thửa, phát triển nghề mộc và hàng nghìn lao động của xã có việc làm trong nhà máy tại các khu công nghiệp.

Nhắc về công tác dồn điền đổi thửa, Chủ tịch xã Xuân Cẩm Ngô Khắc Tình hết sức hào hứng. Trước đây, xã có 31.754 mảnh ruộng, bình quân mỗi hộ có tới 11 mảnh ruộng, sau dồn điền, xã đã xây dựng được 4 cánh đồng mẫu lớn từ 30 đến 70ha, bình quân mỗi hộ chỉ còn 2,4 mảnh ruộng. Mỗi thôn, mỗi cánh đồng là một cách vận động dồn điền đổi thửa khác nhau, tuy nhiên, có một điểm chung là cán bộ, đảng viên luôn đi đầu gương mẫu nhận ruộng xa, ruộng xấu về phần mình. Chính nhờ đó mà nhân dân trong xã tin tưởng cán bộ, đảng viên và đã ủng hộ hơn 15.000m2 đất để làm đường nội đồng và mới có cánh đồng mẫu lớn 30ha. Giờ đây ô tô tải nhỏ cũng có thể đi lại dễ dàng trên cánh đồng đến từng đầu ruộng. Người trồng lúa ở đây cũng được hỗ trợ tối đa bằng nhiều máy móc hiện đại, công việc đồng áng bận rộn nhất có lẽ chỉ còn là ra đồng chở thóc lúa về nhà.

Làm NTM ở Xuân Cẩm cái khó có lẽ là thực hiện tiêu chí về giao thông, nhưng người dân ở đây đã đoàn kết một lòng đóng góp gần năm tỷ đồng, hiến hơn 3.000m2 đất thổ cư, tháo dỡ và tự xây lại 518 công trình để làm đường liên thôn, liên xóm rộng 6 mét. Hộ gia đình ông Vũ Hùng Vương hiến 360m2 đất thổ cư trị giá hơn 1 tỷ đồng. Gia đình các ông bà Nguyễn Minh Chín, Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Hải Vân, Vương Thị Nheo... cùng hàng chục gia đình khác đều hiến đất, phá nhà để làm đường giao thông. "Phong trào làm đường giao thông khi đó sôi nổi lắm, người dân phấn khởi cùng nhau góp sức, góp của cùng các đơn vị làm đường, chỉ trong vòng vài tháng, hơn 40km đường nội đồng, gần 20km đường liên thôn đã được thi công cứng hóa" - Chủ tịch xã Ngô Khắc Tình chia sẻ.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Xuân Cẩm chuyển mình mạnh mẽ sang phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Giống lúa đặc sản chất lượng cao được gieo cấy đại trà trên cánh đồng mẫu lớn giúp người dân vừa tăng sản lượng vừa tăng thu nhập. Đồng thời, xã còn có hơn 400 gia đình chuyên làm nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở các thôn Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng cho thu nhập cao. Trên địa bàn xã có hai doanh nghiệp đang hoạt động, làm ăn hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 500 lao động, đem lại thu nhập 5-10 triệu đồng/lao động/tháng. Ngoài ra, hơn 4.000 người dân trong xã đang tham gia lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp của hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có thu nhập ổn định từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế địa phương.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng mẫu lớn bát ngát lúa xanh, vòng về đình làng Xuân Biều rồi đến thăm Khu tưởng niệm Bác Hồ, Chủ tịch xã Ngô Khắc Tình hồ hởi: "Người dân Xuân Cẩm hôm nay không chỉ làm NTM thành công, mà truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học vẫn luôn được phát huy. Ngày xưa xã có 12 sắc phong của các triều đại phong kiến, ngày nay trong xã cũng đã có 11 người đạt học vị tiến sĩ và nhiều người thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp. Với những điểm tựa vững chắc đó, Xuân Cẩm chúng tôi sẽ vững vàng phát huy vai trò của xã NTM thiết thực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh".

Không chỉ có Xuân Cẩm, 15 xã khác thuộc ATK II Hiệp Hòa, Bắc Giang cũng đang nỗ lực vươn lên cán đích NTM. Những vùng đất quật cường năm xưa, những người dân anh dũng, yêu nước rồi đây sẽ không chỉ tự hào về truyền thống quê hương mình, mà còn tự hào về một điểm sáng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nơi bờ Bắc sông Cầu.

Nhật Phong

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoi-sac-tren-que-huong-cach-mang-atk-ii/