Khởi sắc trên quê hương cách mạng Đô Lương

80 năm qua, hào khí cuộc khởi nghĩa Đô Lương năm nào luôn được cán bộ, nhân dân vận dụng, phát huy vào công cuộc dựng xây quê hương giàu mạnh. Và chính sự cần cù, sáng tạo với tinh thần 'quật khởi' cán bộ, nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An hôm nay đã làm cho đất nở hoa trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Ngược dòng lịch sử, cách đây 80 năm, rạng sáng 13/01/1941, Đội Cung cùng lính đồn Chợ Rạng tiến về chiếm Đồn Đô Lương, giết tên Đồn trưởng, cùng 25 lính ở đây tiến đánh Vinh ngay trong đêm tạo nên cuộc khởi nghĩa Đô Lương. Do bị lộ nên nghĩa quân bị đàn áp, binh biến không thành, sau đó Đội Cung bị bắt vào ngày 14/3/1941, đến ngày 25/4/1941, Đội Cung và 12 người khác bị hành hình.

Khởi nghĩa Đô Lương còn được gọi với các tên khác như: Binh biến Rạng Lường, Binh biến Đô Lương, mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần yêu nước của các chiến sỹ cách mạng, không chịu làm nô lệ, khổ sai, vùng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa là tiếng chuông báo động cho các cuộc khởi nghĩa sau này đi đến thắng lợi.

Một góc Trung tâm huyện Đô Lương nhìn từ trên cao.

Một góc Trung tâm huyện Đô Lương nhìn từ trên cao.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tinh thần khởi nghĩa 80 năm về trước, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Đô Lương đã không ngừng thi đua, đoàn kết, vượt qua khó khăn để giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Những ngày đầu năm 2021, chúng tôi về quê hương cách mạng Đô Lương. Sáng sớm tinh mơ, thị trấn Đô Lương “bị” đánh thức từ rất sớm bởi nhịp sống hối hả của ngày mới. Trung tâm thương mại Đô Lương vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng nhộn nhịp với cảnh mua bán, giao thương; những công nhân ở Khu công nghiệp thị trấn cũng dậy sớm hơn lo toan cho con cái để kịp giờ vào ca sản xuất. Những người thợ làng nghề làm bánh đa, kẹo lạc thoăn thoắt cho ra lò những mẻ bánh để kịp đóng gói xuất hàng theo bản hợp đồng mới. Tượng đài chiến thắng Đô Lương sừng sững, khí phách hiên ngang, như bản hùng ca về tinh thần anh hùng dân tộc của đất và người xứ Lường. Trong không gian ấy chúng tôi cảm nhận được âm vọng hào khí của truyền thống quê hương cách mạng với những con người cần cù, sáng tạo chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Tiếp chúng tôi, đồng chí Phùng Thành Vinh, Bí thư Huyện ủy Đô Lương cho biết: “Trong chiến tranh, người Đô Lương đã hy sinh xương máu để chiến thắng kẻ thù, vun đắp nên truyền thống Đô Lương anh hùng. Và hôm nay, kẻ thù lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà chính là đói nghèo. Cuộc chiến này dù rất cam go và gian khổ nhưng chúng tôi quyết tâm đẩy lùi và nhanh chóng cho quá trình đô thị hóa, phấn đấu sớm đưa huyện nhà trở thành thị xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới”.

Trong câu chuyện với đồng chí Phùng Thành Vinh, chúng tôi được biết, bằng sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, giai đoạn 2015-2020, Đô Lương đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. An ninh – Quốc phòng luôn ổn định, tạo đà cho kinh tế – xã hội phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 11,83%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đô thị có nhiều khởi sắc, nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cao. Đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đạt hơn 55 triệu đồng/người, tăng gần 25 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 2%.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Đô Lương đó chính chú trọng nâng cao đời sống nhân dân. Vấn đề làm sao để quê hương đổi mới đi lên đã ngấm sâu vào suy nghĩ của mỗi người dân nơi đây, tạo nên sức mạnh xuyên suốt trong từng việc làm. Trong hướng đi ấy, bài toán khó nhất là thu hút các nhà đầu tư về với Đô Lương đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra lời giải. Nhiều dự án lớn như (Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam, Dự án Công ty may Minh Anh…) đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương và tăng nguồn thu lớn đối với huyện nhà.

Nếu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là gam màu mới thì nông nghiệp vẫn làm gam màu chính, chủ đạo của bức tranh kinh tế huyện Đô Lương. Từ cách làm năng động, sáng tạo liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” và với sự cần cù của người dân nên Đô Lương đã xuất hiện nhiều cánh đồng, nhiều trang trại cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ, thương mại cũng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, đầu tư.

Về Đô Lương hôm nay, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc toàn diện. 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, 98% giao thông thôn xóm đã bê tông hóa. Hiện nay, 28/32 xã ở Đô Lương đã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ truyền thống cách mạng hào hùng, cán bộ, nhân dân Đô Lương đã làm cho mảnh đất còn nhiều khó khăn đơm hoa, kết trái bằng sự đổi thay của bộ mặt quê hương và đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/khoi-sac-tren-que-huong-cach-mang-do-luong-572658.html