Khối Tây Phi đến Niger đàm phán vào phút chót, nhóm đảo chính thách thức can thiệp quân sự

Lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger, Tướng Abdourahmane Tchiani hôm thứ Bảy (19/8) nói rằng chính quyền quân sự của ông sẽ được chuyển giao sau tối đa 3 năm, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc can thiệp quân sự chống lại họ sẽ không dễ dàng.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tướng Tchiani cho biết rằng: "Tham vọng của chúng tôi không phải là nắm giữ quyền lực". Ông nói thêm: "Nếu một cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào chúng tôi, thì đó sẽ không phải là cuộc dạo chơi trong công viên mà một số người dường như nghĩ".

Quân đội các nước ECOWAS đã ấn định ngày cụ thể cho việc can thiệp quân sự vào Niger nếu nỗ lực ngoại giao cuối cùng không đạt được hiệu quả. Ảnh: ECOWAS

Tổng thống Bazoum được đảm bảo an toàn

Nhận xét của Tchiani được đưa ra khi một phái đoàn từ Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi ( ECOWAS ) đã gặp các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự vào thứ Bảy, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao vào phút chót, trước khi có thể tiến hành can thiệp quân sự vào Niger.

Phái đoàn do cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar dẫn đầu đã đến thủ đô Niamey của Niger vào đầu giờ chiều. Sau đó, nhóm đã đến thăm Tổng thống Mohamed Bazoum đang bị giam giữ.

"Sau khi gặp người đứng đầu CNSP của Niger, Tướng Abdoulrahmane Tchiani, phái đoàn ECOWAS ở Niger cũng đã đến thăm Tổng thống Mohamed Bazoum vào tối nay", người phát ngôn của cựu Tổng thống Nigeria Abdulaziz Abdulaziz đăng trên mạng xã hội X.

Các nhà lãnh đạo ECOWAS cho biết, họ buộc phải hành động sau khi Niger trở thành quốc gia Tây Phi thứ tư kể từ năm 2020 trải qua một cuộc đảo chính, sau Mali, Guinea và Burkina Faso.

Trong số các thành viên phái đoàn đàm phán có Chủ tịch khối Omar Touray, người đã được Thủ tướng Ali Mahaman Lamine Zeine đón tại sân bay Niamey. Zeine nói với The New York Times rằng ông Bazoum sẽ không bị làm hại.

"Sẽ không có chuyện gì xảy ra với ông ấy, bởi vì chúng tôi không có truyền thống bạo lực ở Niger", quan chức dân sự cao cấp nhất trong chế độ mới này nói.

Chuyến đi của phái đoàn ngoại giao đến Niger diễn ra một ngày sau khi khối ECOWAS cho biết một lực lượng can thiệp quân sự đã định sẵn ngày can thiệp vào Niger, nếu các nỗ lực đàm phán hòa bình cuối cùng cho cuộc khủng hoảng không đạt được.

Mali và Burkina Faso sẵn sàng hợp lực với Niger

Trước sức ép ngày càng gia tăng về cả ngoại giao và quân sự, Niger và 2 nước láng giềng Mali và Burkina Faso cho biết một chiến lược phòng thủ chung đã được các nước này thiết lập với "các biện pháp cụ thể" nếu ECOWAS chọn "leo thang chiến tranh", theo truyền hình nhà nước Niger thông báo.

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công", Bộ trưởng Quốc phòng Burkina Faso, Kassoum Coulibaly, cho biết hôm thứ Bảy sau cuộc họp của đại diện ba nước tại thủ đô Niamey của Niger.

Niger và Mali, Burkina Faso là 3 quốc gia láng giềng của nhau và đều đang do chính quyền quân sự lãnh đạo. Ảnh: GI

Thậm chí, Burkina Faso và Mali được cho rằng đã điều máy bay chiến đấu đến Niger để sẵn sàng ứng chiến nếu các lực lượng của ECOWAS tiến quân vào Niger.

Kênh truyền hình RTN của Niger đưa tin rằng các lực lượng 2 nước láng giềng này "đang thực hiện các nghĩa vụ của họ được nêu trong thông cáo đoàn kết chung", đồng thời nói thêm rằng điều đó nhằm mục đích "đẩy lùi bất kỳ hình thức gây hấn nào chống lại Niger".

Vào ngày 31 tháng 7, chính quyền Burkina Faso và Mali bày tỏ tình đoàn kết với người dân Niger, cảnh báo rằng cả hai nước sẽ coi bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger là một lời tuyên chiến chống lại họ.

Bên cạnh nhận được sự hỗ trợ từ Burkina Faso và Mali, chính quyền quân sự Niger cũng đang nhận được cả sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Hàng nghìn tình nguyện viên đã tập trung tại trung tâm Niamey vào thứ Bảy để đáp lại lời kêu gọi đăng ký tuyển binh của nhóm đảo chính, nhằm có thể được huy động khi chiến sự xảy ra.

Các nước trong khu vực Sahel thường xuyên bị tấn công và kiểm soát bởi các nhóm thánh chiến có liên quan đến al-Qaeda và IS trong những năm qua, gây ra sự thất vọng trong dân chúng và làm chất xúc tác cho các cuộc đảo chính quân sự.

Liên hợp quốc cho biết Niger đang ở trong cuộc khủng hoảng người tị nạn và đối mặt với một số thách thức nhân đạo bao, gồm mất an ninh lương thực và di cư trong nước.

Huy Hoàng (AFP, Reuters, France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoi-tay-phi-den-niger-dam-phan-vao-phut-chot-nhom-dao-chinh-thach-thuc-can-thiep-quan-su-post261222.html