Khơi thông ách tắc cho tuyến cao tốc kết nối miền Tây Nam Bộ

Với mục tiêu giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã được triển khai xây dựng. Hiện nay, dự án đang được khẩn trương thi công hướng đến mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, để bảo đảm khai thác đồng bộ tuyến đường, cần nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc nối Mỹ Thuận với Cần Thơ.

Mở đường lớn cho giao thương thông suốt

Lưu thông trên Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, cảnh tượng dễ bắt gặp là dòng xe cộ xếp hàng dài nhiều ki-lô-mét. Dù đã được mở rộng lên 4 làn xe nhưng tuyến đường này chưa thể đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao của các tỉnh ĐBSCL, trở thành "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của khu vực. Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tiếp nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương được triển khai xây dựng với mong muốn hình thành tuyến giao thông tốc độ cao, chuyên chở khối lượng lớn, góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của vùng đất này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận bị đình trệ trong suốt 10 năm. Tháng 4-2019, Tập đoàn Đèo Cả cùng liên danh các nhà đầu tư được mời tham gia “giải cứu” dự án. Sau đó, dự án đã được tăng cường nhân sự, bổ sung, điều chỉnh hệ thống quản lý nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng phù hợp với tiến độ thi công và kiểm soát chất lượng của các hạng mục đã thi công trước đây. Đến nay, dự án đã có những bước tiến đáng kể, ngày càng đến gần hơn với mục tiêu thông tuyến cuối năm 2020, hoàn thành trong năm 2021.

 Thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020. Ảnh: HUY HÙNG

Thi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận với mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020. Ảnh: HUY HÙNG

Những ngày này, công trường dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đang thi công không ngừng nghỉ. Kể cả trong dịp lễ, tết, trên công trường vẫn rộn ràng tiếng máy lu, máy xúc. Tất cả gói thầu đều đang triển khai thi công 24/24 giờ trên toàn tuyến. Ban quản lý dự án bố trí camera giám sát dọc tuyến để kiểm tra, bảo vệ công trường, ghi lại thực trạng, kịp thời chấn chỉnh sai sót trong suốt quá trình thi công. Vật tư, trang thiết bị, máy móc và nguồn nhân lực được tăng cường. Đặc biệt, Ban quản lý dự án thường xuyên rà soát những gói thầu chậm để đẩy nhanh tiến độ. Một trong những "ách tắc" lớn nhất của dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là nguồn vốn hiện đã được tháo gỡ. Các ngân hàng hợp vốn đã chính thức ký hợp đồng tín dụng cho dự án. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cũng được giải ngân kịp thời. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để các nhà thầu có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, hoàn thành dự án cao tốc này là sự khẳng định lời cam kết với người dân ĐBSCL bằng việc làm thiết thực. "Mục tiêu của chúng tôi là đến Tết Nguyên đán năm 2021, tuyến cao tốc này có thể phân luồng cho phép một số loại phương tiện lưu thông, kịp thời phục vụ nhân dân, giải quyết một phần bài toán ùn tắc giao thông. Tiến độ của dự án rất gấp rút, mục tiêu thông tuyến chúng tôi sẽ phấn đấu đạt được nhưng không phải bằng mọi giá, khâu kiểm soát chất lượng sẽ luôn được bảo đảm thực hiện chặt chẽ", ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Đưa tuyến cao tốc tiếp tục vươn xa

Hệ thống đường bộ nước ta hiện có gần 25.000km quốc lộ và khoảng 2.000km đường cao tốc, tuy nhiên, chưa đáp ứng được yêu cầu so với tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế đất nước. Trong thời gian tới, định hướng của ngành giao thông vận tải sẽ đặc biệt quan tâm đến việc nối dài các tuyến đường cao tốc, chạy song song với quốc lộ hiện hữu. PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần triển khai đoạn nối tiếp từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ càng sớm càng tốt và tiếp tục nghiên cứu mở rộng hơn nữa. "Yếu tố quyết định đến hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu của tuyến cao tốc này là giải quyết những vấn đề phát triển miền Tây Nam Bộ chứ không chỉ đến Mỹ Thuận. Kinh nghiệm từ nhiều tuyến đường đã được xây dựng cho thấy, nếu không có tầm nhìn, không bảo đảm đồng bộ thì lại dẫn đến ách tắc ghê gớm", TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Nhấn mạnh việc bảo đảm cho lưu chuyển hàng hóa, đi lại của người dân miền Tây Nam Bộ đã trở thành vấn đề cấp bách gắn liền với thay đổi cấu trúc phát triển trước thách thức của biến đổi khí hậu, TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, vấn đề mấu chốt là huy động được nguồn lực tốt, chọn được những nhà đầu tư có chất lượng để tham gia phát triển hạ tầng. Từ phía nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, đối với dự án Trung Lương-Mỹ Thuận, mục tiêu chung của dự án cần được đặt lên trên hết. Kiểm soát tiến độ và chất lượng phải được thực hiện đồng thời với nhau, không vì bệnh thành tích mà quên đi lợi ích tổng thể.

Đưa dự án Trung Lương-Mỹ Thuận sớm về đích và triển khai các đoạn nối tiếp sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 4.000-5.000km đường cao tốc trên cả nước trong 10 năm tới, tạo nên trục giao thông kết nối liên hoàn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khoi-thong-ach-tac-cho-tuyen-cao-toc-ket-noi-mien-tay-nam-bo-610150