Khơi thông đường xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn nhưng đã chủ động dịch chuyển, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, gạo Việt Nam xuất khẩu (XK) đang sụt giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch XK 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng lại giảm tới 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm của Việt Nam từ 330-340 USD/tấn tăng lên 350 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) - đứng ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, song vẫn thua giá gạo 5% tấm cùng loại của Ấn Độ (365-370 USD/tấn) và Thái Lan (395-400 USD/tấn).

Cạnh tranh gay gắt

Nguyên nhân lượng tăng nhưng giá trị XK gạo giảm được phân tích là do tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam giảm nhu cầu nhập gạo.

Bên cạnh đó, trong tháng 9, trên thị trường thế giới, giá gạo XK của Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục. Đồng Baht tăng trở lại cũng giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần 1 năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo tại thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn.

Thực tế, gạo XK của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ các nước XK gạo lớn trên thế giới như Thái Lan và Ấn Độ, Campuchia và Myanmar. Hiện tại, XK gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang giảm mạnh cả về số lượng và giá trị.

Nguyên nhân là do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, tăng nhập khẩu từ Myanmar và Campuchia, đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn, cho phép xả kho gạo ở một số thời điểm nhất định.

Trong khi đó, ngành gạo Campuchia lại không ngừng tăng trưởng về chất lượng, ưu tiên sản xuất gạo hữu cơ và gạo sạch theo tiêu chuẩn bền vững nhằm tăng cạnh tranh. Chất lượng gạo của Campuchia hiện nay có thể sánh ngang với gạo Thái Lan, còn gạo Việt Nam thì đang dần đuối sức.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), điều cốt yếu để giữ vững vị thế trên thị trường là chất lượng hạt gạo. Thế nhưng, hiện nay có tình trạng chất lượng gạo không đồng đều, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thương lái trộn các loại gạo có hình dáng tương tự với nhau… rồi XK.

Thực tế, gạo Việt Nam đang được XK sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng đa phần ở phân khúc thấp, gạo giá rẻ. Trong khi đó, số lượng thị trường XK của Campuchia chỉ bằng một phần nhỏ của Việt Nam nhưng gạo của nước này lại chủ yếu “đánh chiếm” những thị trường khó tính.

Điều này thể hiện ở việc Campuchia hiện nay đang nằm trong danh sách 5 nước XK gạo hữu cơ vào thị trường EU, chỉ sau Mỹ, Pakistan, Ấn Độ và Thái Lan.

Gạo Việt vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để “chuyển mình”

Gạo Việt vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để “chuyển mình”

Vẫn còn cửa sáng

Thời gian qua, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Indonesia và Bangladesh đều giảm nhập khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều điểm sáng cho gạo Việt Nam trước nỗi lo bị mất thị phần như việc dù là đối thủ cạnh tranh nhưng Philippines vẫn đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần trong 9 tháng năm 2019, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc.

Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương Philippines đã chính thức thông báo nước này sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu trong thời gian tới, được cho là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp XK gạo Việt Nam vào thị trường này.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines đến năm 2030 sẽ tăng dần đều. Philippines lại là quốc gia khó có thể tự cung tự cấp về lương thực, nên mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ dần tăng.

Bên cạnh đó, trong khó khăn vẫn luôn tồn tại cơ hội. Trong khi Campuchia tăng cường XK gạo sang Trung Quốc thì ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động XK gạo sang Campuchia bởi lượng gạo của nước này khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu XK.

Không chỉ đẩy mạnh XK vào các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam trong thời gian tới cần vươn tới các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, Mỹ, EU…

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho XK gạo về lâu dài cần chiến lược hướng đến là giảm diện tích trồng lúa, cơ cấu các giống lúa cho phù hợp những nhóm thị trường XK.

Ngành lúa gạo cần tập trung chế biến sâu hơn nữa, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu, kể cả sản phẩm gạo cũng phải đa dạng như: gạo hữu cơ, gạo dược liệu… mới đem lại hiệu quả.

Theo Vân Linh/Thời báo Kinh doanh

Theo Vân Linh/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khoi-thong-duong-xuat-khau-gao/20191114082356481