Khơi thông nguồn lực khối doanh nghiệp tư nhân vào sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2019 với chủ đề Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các chuyên gia, đại biểu cùng nhau thảo luận. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Các chuyên gia, đại biểu cùng nhau thảo luận. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Chiều 27/9, tại TP HCM, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp tổ chức Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2019 với chủ đề Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của: TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo các địa phương, trong đó. Về phía Đồng Nai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh; đại diện các bộ ngành, các chuyên gia tư vấn và gần 400 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành.

Đây là lần thứ 3, Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức, với mong muốn Diễn đàn ở vị trí một thể chế phi chính thức, tiếp tục tập hợp sức mạnh và tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, khơi thông mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư, đặc biệt của khối doanh nghiệp tư nhân vào sự nghiệp phát triển kinh tế vùng.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, hiện đang đóng góp tích cực nhất vào sư phát triển kinh tế của cả nước.

Năm 2018, tổng sản phẩm (GRDP) của toàn Vùng đạt khoảng hơn 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 45,4% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước và chiếm 50% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, chiếm 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh tại diễn đàn.

Trong buổi diễn đàn mang chủ đề Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các chuyên gia luôn quan tâm đến kinh tế - xã hội, nhưng trong đó có nhiều vấn đề cần được giải quyết, tránh sự bức xúc của dư luận. Cần đột phá về cơ chế, chính sách phát triển cho vùng. Khắc phục cơ chế liên kết vùng đang còn lỏng lẻo và mang tính tự phát.

Các chuyên gia kinh tế cũng đã trao đổi với nhau và cho rằng, phía Nam là một trong những vùng có mức đóng góp kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng phát huy không triệt để những lợi thế, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng không tương xứng.

Thông qua diễn đàn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 2019, sẽ tiếp tục đóng góp, phân tích, gợi ý chính sách từ các chuyên gia hàng đầu ngành kinh tế về khoa học vùng và các tổ chức đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp chung tay các định rõ nét hơn những nút thắt, đồng thời xây dựng các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, gia tăng động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại buổi diễn đàn có 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Tín Nghĩa và Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) Đồng Nai, cùng 30 doanh nghiệp có nhiêùđóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng,đã được trao tặng tặng bằng khen.

Nguyễn Thắm - Mộc Đức

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/khoi-thong-nguon-luc-khoi-doanh-nghiep-tu-nhan-vao-su-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-d107824.html