Khơi thông thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản English Edition

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình xuất khẩu của nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh khá khả quan. Tuy nhiên, nông dân, doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục nâng cao chất lượng và bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.

Nhiều tín hiệu tích cực

Những tháng đầu năm 2023, gạo là một trong những mặt hàng nông sản có sản lượng xuất khẩu cao của tỉnh. Giám đốc Sở Công Thương Long An - Nguyễn Tuấn Thanh thông tin: “Thời gian qua, tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt. Đến đầu tháng 5/2023, các DN xuất khẩu trên 340.000 tấn gạo với giá trị khoảng 180 triệu USD, bằng với 6 tháng đầu năm 2022. Theo đánh giá của ngành Công Thương cũng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay, cung không đủ cầu nên giá gạo tăng và thời gian tới sản lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng”.

Công ty TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đóng gói gạo xuất khẩu

Trên toàn tỉnh hiện có 26 DN xuất khẩu gạo. Trong đó, có 3 DN được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc, gồm: Công ty (Cty) Cổ phần Tân Đồng Tiến, Cty TNHH Việt Thanh, Cty TNHH Dương Vũ. Ngoài ra, có 3 chi nhánh Cty được xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát và 1 Cty thuê kho, cơ sở xay xát.

Đại diện Cty TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết, Cty chuyên thu mua, xay xát và xuất khẩu gạo. Trung bình hàng tháng, Cty xuất khẩu khoảng 60.000-70.000 tấn gạo, trong đó, chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh thuận lợi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, một số loại nông sản chủ lực của tỉnh cũng có những tín hiệu khả quan về giá và thị trường tiêu thụ, nhất là sau khi Trung Quốc “mở cửa” trở lại, các sản phẩm như thanh long, chanh, mít, dưa hấu,... xuất khẩu ổn định, giá khá cao, tạo được sự phấn khởi cho nông dân.

Công nhân sơ chế thanh long khi thu mua từ vườn về kho

Theo số liệu của Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thanh long năm 2022 đạt 663 triệu USD, giảm 37% so với năm 2021 và giảm 50% so với năm 2019, do Trung Quốc siết chặt các hoạt động kiểm dịch Covid-19 trên hàng hóa nhập khẩu. Điều này dẫn đến giá mặt hàng thanh long biến động mạnh khi trái thanh long phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Trước tình hình đó, tiêu thụ thanh long của tỉnh cũng gặp khó khăn chung. Từ khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa biên giới, hàng hóa cũng được thông thương hơn trước. Giá cả thanh long cũng tăng lên, mang lại lợi nhuận cho người dân và DN. Hiện giá thanh long ruột đỏ dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: “Hiện nay, thị trường lớn nhất để xuất khẩu thanh long của tỉnh vẫn là Trung Quốc. Do đó, người trồng cần thay đổi tập quán sản xuất, tập trung xây dựng mã số (MS) vùng trồng, chú trọng sản xuất sạch theo hướng GAP, GlobalGAP và đặc biệt là chú ý đến các quy định mới của thị trường xuất khẩu”.

Công nhân Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đóng gói thanh long để xuất khẩu

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện toàn huyện có trên 1.880ha chanh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng GAP đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với sản lượng gần 15.000 tấn/năm thông qua Cty The Fruit Republic (Hà Lan).

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: “Cty The Fruit Republic ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho hợp tác xã với diện tích 100ha. Đồng thời, Cty cũng cung ứng trước vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn thị trường 5%. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho người trồng chanh”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Định hướng của Cty xuất khẩu chanh rất rõ ràng trong việc xây dựng thương hiệu, từ nhiều năm qua đã trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng trọt, thay đổi cách sản xuất truyền thống, hầu hết chanh đạt chuẩn GlobalGAP hoặc theo hướng GAP, đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, giá chanh được Cty thu mua cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg, nhờ đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều hộ trồng chanh trên địa bàn huyện”.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.600ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Cùng với đó, toàn tỉnh có 270 lượt MS vùng trồng với tổng diện tích trên 13.445ha. Cụ thể, thanh long 226 MS; chuối 2 MS; dưa hấu 13 MS; xoài 2 MS; chanh 25 MS; sầu riêng 2 MS. Số cơ sở đóng gói trái cây được cấp MS là 147 với các loại nông sản là chuối, chanh, thanh long,... để xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản,...

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý “Châu Thành Long An” cho trái thanh long, chỉ dẫn “Bến Lức Long An” cho sản phẩm chanh không hạt; phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chanh không hạt Bến Lức Long An” tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến khảo sát vùng trồng chanh tại huyện Bến Lức

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, để đưa hàng hóa nông sản của tỉnh vươn xa, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Vừa qua, Đoàn công tác của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến khảo sát, kết nối giao thương với các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với Cty OSB về việc hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

“Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh thông qua việc thông tin về thị trường xuất khẩu cho các DN, hiệp hội. Bên cạnh đó, Sở phối hợp kiểm tra các DN, nhất là DN xuất khẩu gạo về kho chứa, nhà máy xay xát để bảo đảm chất lượng gạo đối với các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Sở tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, DN thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả xúc tiến thương mại điện tử và các hội chợ triển lãm quốc tế về lương thực, thực phẩm” - ông Nguyễn Tuấn Thanh thông tin thêm./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoi-thong-thi-truong-xuat-khau-hang-hoa-nong-san-a155858.html