'Khơi thông' vốn tín dụng cho doanh nghiệp

Năm 2022 được xem là năm khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp đã ổn định sản xuất. Để doanh nghiệp vững tin trong sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, Gia Lai sẽ tiếp tục 'bơm' vốn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Doanh nghiệp “tắc” dòng vốn tín dụng

Giám đốc Công ty CP Đông Nam Dược Gia Lai Nguyễn Hữu Khánh cho hay, trong 3 năm qua, doanh nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu, xây dựng nhà máy, nhập dây chuyền thiết bị sản xuất. Tất cả nguồn vốn đều được đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thì gặp vướng mắc về điều kiện doanh thu, máy móc thiết bị chuyên dùng không thể dùng làm điều kiện bảo đảm. Ngoài ra, việc giải ngân vốn tín dụng không theo nguyện vọng nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong 3 năm dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp cần khơi thông tín dụng để ổn định sản xuất kinh doanh. Nguồn: ITN

Nhiều doanh nghiệp cần khơi thông tín dụng để ổn định sản xuất kinh doanh. Nguồn: ITN

Còn theo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu ở Pleiku, thị trường xuất khẩu hiện đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ mang tính ổn định lâu dài từ ngân hàng. Vướng mắc hiện nay là tài sản bảo đảm của doanh nghiệp và dòng tiền hoạt động xuất khẩu phải qua nhiều thủ tục. Do vậy, đề nghị ngân hàng xem xét kết hợp giữa tài sản bảo đảm và năng lực sản xuất của doanh nghiệp để cấp tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ, khó khăn chung hiện nay do vướng room tín dụng cuối năm 2022, mong muốn ngân hàng tạo điều kiện bảo đảm dòng vốn cho chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chi phí vốn vay giảm bớt vì mặt bằng lãi suất hiện đang cao, mong ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn này.

Ngân hàng sẽ sớm “khơi thông” vốn cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của NHNN, đến hết tháng 2.2023, tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt 55.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay đạt 102.600 tỷ đồng, giảm 0,4% so với cuối năm 2022; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm, chỉ còn 1.587 tỷ đồng, chiếm 1,55% tổng dư nợ.

Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, đến cuối năm 2022, các ngân hàng trên địa bàn đã cam kết cho doanh nghiệp vay 9.584 tỷ đồng. Trong đó, cam kết cho vay mới 9.476 tỷ đồng; cơ cấu lại dư nợ thông qua chương trình là 108 tỷ đồng. Doanh số cho vay năm 2022 là 1.528 tỷ đồng; dư nợ đến cuối năm là 4.314 tỷ đồng với 90 doanh nghiệp vay.

Theo đại diện NHNN, trong quá trình triển khai chương trình tín dụng tại địa phương, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. “Với tinh thần cầu thị, NHNN mong muốn làm sao để các doanh nghiệp đủ điều kiện đều được vay vốn, bảo đảm mục tiêu, kế hoạch phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh”, Giám đốc NHNN - Chi nhánh tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Nghị chia sẻ.

Với phương châm, ngân hàng và doanh nghiệp luôn song hành cùng với nhau, ông Nguyễn Hữu Nghị cho biết, sẽ có báo cáo cụ thể đối với NHNN Việt Nam về các vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tại địa phương, sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh sắp xếp làm việc riêng với từng doanh nghiệp, với ngân hàng để cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp cụ thể.

Về định hướng trong thời gian tới, Chi nhánh NHNN tại Gia Lai tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các chi nhánh NHTM tiến hành ký kết đầu tư vốn và thực hiện cam kết đầu tư tín dụng đối với các dự án đã ký. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục làm đầu mối tổng hợp, phản ánh các vấn đề của doanh nghiệp liên quan đến tiếp cận vốn vay ngân hàng để các đơn vị liên quan sớm có giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Đức Trí

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/khoi-thong-von-tin-dung-cho-doanh-nghiep-i323637/