Khởi tố nữ sinh 16 tuổi, tín hiệu đáng mừng hay đáng lo

Dùng biện pháp trừng phạt để phòng ngừa, răn đe trong tình hình hành xử bạo lực ở lứa tuổi học sinh ngày càng có hậu quả nghiêm trọng như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, đó chỉ là giải quyết cái ngọn, cái gốc vẫn là nền tảng giáo dục.

Sau bao nhiêu bài học cảnh giác, sau bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm giải pháp, nạn bạo lực học đường vẫn cứ diễn ra ngày càng dữ dội. Không ít vụ rơi vào các đối tượng là nữ sinh. Nó không còn dừng lại ở việc chửi bới, tát tai… mà nhiều trường hợp xé, lột quần áo, đánh đấm có tính chất dã man xảy ra.

Mới đây, Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với em C.T.T.H. (16 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), về hành vi "Làm nhục người khác". Quyết định đã được Viện KSND huyện Hương Sơn phê chuẩn. Thông tin trên được nhiều người dân đồng tình và ủng hộ.

Sự việc được xác định xảy ra vào chiều 8/8, tại một khu vực thuộc xã Sơn Tiến. Ảnh cắt từ clip

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 39 giây ghi lại cảnh một nữ sinh sau khi ra tay lột quần áo, đã đánh đập dã man một bạn nữ khác ở giữa đường. Sự việc được xác định xảy ra vào chiều 8/8, tại một khu vực thuộc xã Sơn Tiến.

Khi nữ sinh 16 tuổi vừa bị cơ quan chức năng khởi tố để làm rõ hành vi "làm nhục người khác”, với gia đình nạn nhân và nhiều người bức xúc, bất bình, phẫn nộ suốt bao ngày qua thì thông tin trên phần nào xoa dịu được tâm lý của họ, thậm chí có người còn phát biểu họ “mừng rơi nước mắt”.

Như chúng ta biết, trong rất nhiều nguyên nhân khiến cho hành vi bạo hành và làm nhục người khác trong học sinh vẫn ngang nhiên tồn tại là do có sự dung túng, nương tay, xuề xòa cho qua… Không ít người chủ quan cho rằng đấy chỉ là mấy trò đánh đấm của trẻ con, là cách hành xử bồng bột ở lứa tuổi mới lớn nhạy cảm… Phần nữa, trong cách xử lý cũng còn phải cân nhắc nhằm đảm bảo quyền trẻ em, nên thường là dùng biện pháp “xin lỗi và tha thứ” mang tính răn đe, giáo dục giúp chuyển biến là chính.

Vì thế, việc khởi tố bị can nữ sinh bạo hành bạn lần này là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật sẽ hứa hẹn tạo ra sức răn đe cần thiết, hy vọng nạn bạo hành trong lứa tuổi học sinh không còn xảy ra, để những câu chuyện đau lòng tương tự không còn tiếp diễn.

Nhưng xét ở một mặt khác, việc một học sinh 16 tuổi lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình” trong những ngày đầu năm học, khi tiếng trống khai trường còn văng vẳng đâu đây… là một nỗi đau không nhỏ của xã hội, của ngành giáo dục, của nhà trường, của thầy cô giáo, của phụ huynh và là của tất thảy người lớn chúng ta.

Đã đến lúc chúng ta phải hết sức nghiêm túc nhìn lại vấn đề bạo lực học đường một cách thấu đáo hơn, có trách nhiệm hơn… Ảnh: IT

Không giống như trẻ em ở những thế thệ trước, ngày nay hầu hết bọn trẻ tiếp xúc, sinh hoạt trên không gian mạng nhiều hơn đời thực. Chúng rất khó phân biệt giá trị sống giữa thật và ảo. Sự đinh ninh một cách chủ quan và phiến diện về giá trị bản ngã, đặc tính bắt chước, ảo tưởng sức mạnh… khiến các em hành xử hết sức nông nổi thậm chí ngu muội, tình trạng lệch lạc nhân cách của một bộ phận thanh thiếu niên biểu hiện qua các hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật càng ngày càng gia tăng.

Đã đến lúc chúng ta phải hết sức nghiêm túc nhìn lại vấn đề bạo lực học đường một cách thấu đáo hơn, có trách nhiệm hơn… trước khi nó xảy ra ngay trong ngôi nhà với những đứa con của chúng ta. Phụ huynh cần thấy rõ vai trò quyết định quan trọng của mình trong việc hình thành, phát triển nhân cách của con cái. Trước hết hãy là tấm gương cho con trẻ soi vào thông qua các hành vi ứng xử hằng ngày. Bố mẹ hành xử bạo lực thì các con không thể ôn hòa…

Ngoài ra, nơi xảy ra bạo lực học đường phần lớn là tại nhà trường. Vì thế, vai trò của nhà trường cũng quan trọng không kém. Nhà trường ở đây bao gồm thầy cô giáo (đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm lớp), học sinh, giám thị, bảo vệ… cần chủ động kết nối với gia đình đề ra các biện pháp cụ thể kịp thời khi các em vừa có biểu hiện đe dọa phát sinh bạo lực. Sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường sẽ giúp bố mẹ định hướng, uốn nắn và điều chỉnh nhân cách của các bạn nhỏ kịp thời và có hiệu quả qua từng giai đoạn phát triển.

Trở lại vụ việc bạo hành trên, cũng như tất cả các vụ bạo lực khác, sự vô cảm của đám đông xung quanh, một là im lặng đứng nhìn, hai là hò reo cổ vũ, đặc biệt là quay clip ghi lại rồi về up lên mạng xã hội cũng là một tình trạng đáng báo động, cần đưa vào vụ việc bạo hành để có hướng xử lý. Việc quay clip nhằm mục đích giúp cơ quan hữu trách có thêm bằng chứng trong quá trình điều tra là cần thiết nhưng phát tán lên mạng xã hội lại là hành vi vi phạm luật pháp.

Vai trò của bố mẹ có quyết định quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách của con cái. Ảnh: IT

Tóm lại, bạo lực học đường xảy ra, các em bị đánh đập, bắt nạt được xem là nạn nhân đã đành. Những đứa trẻ đánh bạn, suy cho cùng, cũng là nạn nhân. Nạn nhân của sự buông lỏng giáo dục. Đây chính là điểm khác biệt của bạo lực học đường với các loại bạo hành khác.

Dùng biện pháp trừng phạt để phòng ngừa, răn đe trong tình hình hành xử bạo lực ở lứa tuổi học sinh ngày càng có hậu quả nghiêm trọng như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, đó chỉ là giải quyết cái ngọn, cái gốc vẫn là nền tảng giáo dục, đặc biệt là rất sớm từ gia đình, từ sự quan tâm, dạy dỗ và làm gương của cha mẹ. Câu nói của người xưa “mũi dại lái chịu đòn” xét cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/khoi-to-nu-sinh-16-tuoi-tin-hieu-dang-mung-hay-dang-lo--166259.html