Khởi tố vụ án sản xuất thực phẩm hỗ trợ ung thư Vinaca từ than tre

Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng vừa khởi tố vụ án về 'Tội sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm' theo Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra vụ việc thực phẩm Vinaca được sản xuất từ than tre.

Liên quan đến vụ việc sản xuất thực phẩm Vinaca từ than tre, ngày 20/4, Cơ quan CSĐT (Công an TP. Hải Phòng) đã ra quyết định khởi tố vụ án về "Tội sản xuất, buôn hán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" quy định tại Điều 193 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo kết quả điều tra, ngày 15/1/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An kiểm tra cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng). Quá trình kiểm tra thấy cơ sở có 10 công nhân đang làm việc với các công việc tạo viên nang, dán nhãn sán phẩm, đóng gói sản phẩm dưới sự quản lý trực tiếp của Đào Thị Chúc. Đoàn kiểm tra đã thu giữ các sản phẩm như: Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca Vi5, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca Baby Vi6, Vinaca vi lượng, Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.

Thực phẩm được sản xuất từ than tre của Công ty Vinaca

Chủ cơ sở Đào Thị Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc sản xuất nói trên và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.

Trước đó, như PNVN đã thông tin, cơ quan chức năng tại Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở thực hiện sản xuất thuốc con nhộng và quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ than tre.

Theo xác minh của Sở Y tế Hải Phòng, sản phẩm Vinaca Co3.2 không phải là thuốc cũng không phải là mỹ phẩm mà là thực phẩm chức năng. Trên nhãn sản phẩm ghi “không phải là thuốc và không dùng thay thế thuốc chữa bệnh”. Công dụng của sản phẩm có ghi “hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu”.

Sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 là TPCN nhưng không được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành và cũng không được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đối với thực phẩm chức năng.

Cơ sở sản xuất sản phẩm Vinaca ung thư Co3.2 là cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhưng không có giấy phép sản xuất thực phẩm chức năng.

Cơ sở sản xuất này đã bị Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng xử phạt vi phạm hành chính 44 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ và chuyển hồ sơ sang công an TP Hải Phòng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Rất nhiều sản phẩm thực phẩm sản xuất từ than tre đã đưa ra thị trường

Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra, xác minh các nội dung trên là đúng và chỉ đạo thu hồi toàn bộ các sản phẩm có tên Vinaca của cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nói trên. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không được sử dụng sản phẩm này. Khi phát hiện những cơ sở sản xuất tương tự thì báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.

Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

1.Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Làm chết người;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/khoi-to-vu-an-san-xuat-thuc-pham-ho-tro-ung-thu-vinaca-tu-than-tre-post41518.html