Khói trời mênh mông...

Có lẽ, trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, đặc biệt những người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, làn khói bếp của buổi sáng sớm và chiều hôm có một sức ám ảnh đặc biệt. Còn nhớ mỗi buổi sớm tinh mơ, chính làn khói bếp từ tay mẹ nhóm lên đã đánh thức chúng ta, khi mẹ đun ấm nước đầu tiên để pha trà cho bố, rồi chuẩn bị đồ ăn sáng cho ta tới trường...

1.Rồi buổi trưa hoặc nhất là khi chiều về, nhìn thấy khói bay lên từ bếp nhà mình, bụng bắt đầu hơi đói, ta biết rằng mẹ lại đang làm bữa cơm chiều và lòng trẻ thơ thật háo hức không biết sẽ có món gì trong bữa cơm sắp tới. Thế nên nhà thơ Bằng Việt khi nhớ về tuổi thơ, bếp lửa với những làn khói đã trở thành hình tượng sâu đậm, khắc khoải gắn với bao yêu thương của người bà.

Những ngọn khói như một hình ảnh đẹp xuyên suốt từ phần mở đầu tới phần kết thúc tác phẩm: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa/ Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói (...) Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà niềm vui trăm ngả/ Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở/ Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa...”.

Làn khói trên những nếp nhà còn bắt gặp trong thi phẩm nổi tiếng “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, ta ngỡ ngàng như không thể phân định đây là khói bếp hay sương khói mùa xuân: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang...”. Làn khói của tâm trạng, của sự gửi gắm những nỗi niềm còn bắt gặp trong ca dao: “Ai làm cho khói lên trời/ Cho mưa xuống đất cho người biệt ly/ Ai làm cho Nam Bắc phân kỳ/ Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm khăn”.

Khói bếp của mẹ. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Khói bếp của mẹ. Ảnh chỉ có tính minh họa.

2. Một loại khói rất gần với khói bếp là khói sương. Nếu như khói bếp có thể mang hai màu sắc là màu trắng đục hoặc đen xám thì khói sương luôn là một màn trắng trong, gây nên một nỗi bảng lảng vô định mơ hồ. Cái mênh mang của khói sương ấy dễ được ký thác những tâm trạng man mác hoặc bơ vơ của con người. Trong những thi sĩ của phong trào Thơ Mới, chính Hàn Mặc Tử là người đã để lại những câu thơ sương khói ấn tượng nhất: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà” (Đây thôn Vỹ Dạ), “Sao không tô điểm nên sương khói/ Trong cõi lòng tôi buổi chập chờn” (Cuối thu).

Sương khói trong những câu thơ của Hàn Mặc Tử mang đến cho ta nỗi ngậm ngùi bởi hạnh phúc tuột khỏi tầm tay với của một tâm hồn chứa đầy khát khao nhưng càng lúc càng rơi vào vô vọng. Cái bảng lảng và cảm giác không thể nắm bắt được của khói sương còn đi vào ca từ những ca khúc nổi tiếng: “Đời như sương khói, mơ hồ trong bóng tối. Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời” (Riêng một góc trời - Nhạc và lời: Ngô Thụy Miên), “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi/ Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời” (Thiên thai - Nhạc và lời: Văn Cao). Trong câu hát của tuyệt phẩm Thiên thai, sương khói còn được xem như một hình ảnh đặc trưng của cõi tiên thanh khiết, khác hẳn với cõi trần phàm tục.

3. Nếu như khói sương đặc trưng cho không gian đất liền, thì khi tìm đến những không gian của sông nước, chúng ta có thêm thi ảnh “khói sóng”. Khói sóng (âm Hán Việt: yên ba) có thể xem là một hình ảnh cực kỳ quen thuộc trong văn chương cổ điển.

Khói sóng có lúc gợi nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê như trong câu thơ Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - Tản Đà dịch). Khói sóng có lúc gợi nỗi ngậm ngùi buồn thương ly biệt như trong câu thơ Bạch Cư Dị: “Bất túy Tầm Dương tửu/ Yên ba sầu sát nhân” (Chẳng say chén rượu Tầm Dương/ Khỏi sao khói sóng buồn thương chết người) (Tản Đà dịch).

Trong thơ Việt thời trung đại, khói sóng còn gợi sự ẩn dật tịch mịch lánh đời của kẻ sĩ trong thời loạn: “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn/ Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Thế sự thăng trầm người chớ hỏi/ Miền sâu khói sóng có làng câu - “Uống rượu tiêu sầu II” - Cao Bá Quát). Và đến đầu thế kỷ XX, khói sóng một lần nữa lại hiện ra trong thơ Bác với một phong vị mới, không phải là sự xuất thế ẩn mình mà là sự nhập thế của một nghệ sĩ - chiến sĩ, đồng hành cùng cuộc kháng chiến trường kỳ của quê hương: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Dòng sâu khói sóng việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền - Nguyên tiêu).

4. Một loại khói khác có "quy mô" nhỏ nhắn hơn, đó là khói thuốc. Trong đời sống và thi ca của người Việt, khói thuốc chia làm hai loại cơ bản là khói thuốc lá và khói thuốc lào. Thuốc lào du nhập vào Việt Nam trước thuốc lá, vì thế ta có cảm giác tính bản địa của thuốc lào cao hơn, cũng bởi thuốc lào còn xuất hiện cả trong ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Nhiều tác gia từ thời trung đại đến hiện đại đều có đưa thuốc lào vào thơ như Tú Xương, Nguyễn Bính, Lưu Quang Vũ nhưng phải cho tới Nguyễn Duy thì ta mới được thưởng thức những vần thơ trực tả một cách toàn diện về làn khói thuốc lào: “Sớm mai đánh bệt trước thềm/ Đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời/ Cha tôi mất đã lâu rồi/ Tôi về ngồi chỗ cha ngồi năm nao/ Rít còi phụt khói rõ cao/ Người lao đao đất lao đao lờ đờ/ Nước chè tươi rót vàng mơ/ Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng/ Tôi qua lắm núi nhiều sông/ Khói ngày xưa ám trong lòng còn cay/ Ngẩng đầu đưa khói vào mây/ Nghênh ngang hiền triết điếu cày thăng thiên” (Thuốc lào).

Những dòng lục bát tự nhiên, phóng túng vừa hiện lên trước mắt ta một thú vui rất bình dị của người lao động, vừa gửi gắm những nỗi niềm kỷ niệm với người cha, vừa có cả chất lãng tử bất cần của kẻ "đạt đạo" với hạnh phúc do thuốc lào mang lại. Còn với khói thuốc lá, thi sĩ Hồ Dzếnh là người tiên phong đưa vào thơ, thi vị hóa nó cùng bước chân người lữ khách trong buổi chiều nhớ nhà với một phong thái không kém phần lãng tử: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây” (Chiều).

Khói lam chiều mênh mông trong khung cảnh làng quê Việt.

Bài thơ đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng của thời tiền chiến. Câu thơ có làn khói thuốc cũng đồng thời là lời ca kết thúc tác phẩm được xử lý với cao độ vút lên ở chữ "khói" khiến cả không gian vừa như mơ màng lãng đãng vừa hòa vào cùng mây gió...

Cùng một "trường phái" với khói thuốc nhưng lại được mở rộng về "quy mô", phải kể đến khói lửa trong chiến tranh. Trong chiến tranh cổ điển, làn khói nhiều khi được tạo ra như một tín hiệu quan trọng, thể hiện mưu kế sách lược giương Đông kích Tây của người cầm quân.

Nhiều người hẳn còn nhớ trong bộ tiểu thuyết lịch sử lừng danh Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, quân sư Khổng Minh đã bày mẹo cho Quan Vũ đốt lửa tạo khói ở đường hẻm Hoa Dung để dụ Tào Tháo đến. Binh pháp có câu "hư hư thực thực", Tào Tháo quả nhiên mắc mưu, vì nghĩ: "Gia Cát Lượng khôn ngoan, cho nên sai người đốt lửa ở sườn núi hẻo lánh để ta không dám đi qua núi, rồi phục binh sẵn ở đường lớn. Ta đã biết tỏng rồi, khi nào còn mắc mẹo hắn" (trích hồi thứ 50: Gia Cát Lượng khéo tính đường Hoa Dung/ Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo).

Trong ca khúc thời chiến của Việt Nam, bài hát có hình ảnh khói lửa xuất hiện như một biểu tượng ngay từ nhan đề phải được kể tới là bản hùng ca “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Hướng về Nam! Ai đã qua đèo Nang đã sang Ba Rền. Mến dòng sông Gianh biết danh Lũy Thày. Giờ đây lửa cháy ngút trời máu nhuộm đồng xanh...”.

5. Viết đến đây, tự dưng tôi lại vẩn vơ nghĩ, hành trình của mỗi đời người hình như cũng đều gắn với các loại khói và có thể xem khói như những biểu tượng cho các khoảng thời gian khác nhau. Khi còn nhỏ lúc ấu thơ thì gắn với khói bếp, lúc lớn lên có chút lãng mạn chính là khói sương, thêm những hò hẹn yêu đương chờ đợi thì hầu hết các chàng trai đều có tí khói thuốc, nếu thêm chút giang hồ mênh mang diệu vợi sẽ là khói sóng, đời chẳng may gặp phải thời loạn khi chiến tranh thế nào cũng có khói lửa.

Và rồi, lúc khép lại cuộc đời chính là... khói hương. Đối với những người đang sống, khói hương được lựa chọn như một tất yếu khi mỗi chúng ta nhớ về những người thân yêu nay đã không còn. Những câu lục bát đầy xúc động trong bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy đã mở ra một không gian khói nhang như thế: “Bần thần hương huệ thơm đêm/ Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn/ Chân nhang lấm láp tro tàn/ Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”.

Và nhà thơ Trần Đăng Khoa khi nói về sự khép lại một cuộc đời trần gian cũng dùng khói như một biểu tượng của siêu thoát: “Bao năm ròng mệt mỏi/ Xuống xứ này rong chơi/ Giờ ta làm ngọn khói/ Õng ẹo bay về trời”. Nhưng dù thế nào đi nữa thì trong từng sát na của đời sống, nếu ta còn một hơi thở vẫn hãy yêu thương và say đắm với cuộc đời: “Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh/ Hết mùa thu sang đã đến ngày đông/ Những hàng cây xanh đón em áo lộng/ Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông... (Khói trời mênh mông - Trịnh Công Sơn).

Đỗ Anh Vũ

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/khoi-troi-menh-mong-554819/