Khốn đốn vì bị nhà máy nợ tiền, nông dân kéo đến trụ sở huyện 'kêu cứu'

Sáng 6.6, có rất nhiều người dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) kéo đến trụ sở huyện này 'kêu cứu' về việc họ bị Nhà máy đường Sóc Trăng nợ tiền thu mua mía hàng trăm triệu đồng đã hơn 3 tháng mà chưa thanh toán, khiến họ lâm cảnh khốn cùng.

Người dân đang thu hoạch mía thuê cho một chủ vườn ở thị trấn Cù Lao Dung vào sáng 6.6. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Tô Thạnh Lạc (trú xã An Tây) bức xúc - cho biết, gia đình ông xuất bán khoảng 30 tấn mía cho tổ thu mua của Nhà máy đường Sóc Trăng đã 3 tháng nay với số tiền trên 100 triệu đồng, nhưng nhà máy còn nợ chưa chịu trả, khiến gia đình không có tiền trả tiền nhân công, trả tiền thuê ghe, xuồng.

Ông Tô Thanh Xuân - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Cù Lao Dung - cho biết, sáng 6.6, có khoảng 120 người dân là các chủ hộ trồng mía trên địa bàn huyện đến trụ sở tiếp công dân của huyện để "kêu cứu", nhờ huyện can thiệp giúp họ đòi nợ từ nhà máy đường Sóc Trăng sau khi đã thu mua mía của dân.

Một nhóm nông dân trồng mía sáng 6.6 đến UBND huyện Cù Lao Dung "kêu cứu" về việc bị Nhà máy đường Sóc Trăng nợ tiền thu mua mía đã 3 tháng nay. Ảnh: Trần Tuấn

Cũng theo ông Xuân, qua xác minh, những hộ trồng mía này không bán mía cho Nhà máy đường Sóc Trăng, mà bán qua các thương lái đi thu gom. Sau khi thu gom, họ đưa về nhập cho các tổ của Nhà máy đường Sóc Trăng. Ông Xuân cũng cho biết, một ngày trước, cũng đã có một số người dân bị nợ tiền mía kéo đến trụ sở tiếp dân của tỉnh để nhờ can thiệp.

Cùng ngày, tại một vườn mía có vài chục nhân công đang thu hoạch ở thị trấn Cù Lao Dung, ông Trần Văn Chiến (52 tuổi, ngụ thị trấn Cù Lao Dung) đang tất bật đốn mía - cho biết, chủ vườn mía thuê thu hoạch với giá 8.000/bó (12 cây) tính cả chuyển sắp lên xe, hoặc sắp vào ghe để chở đến nhà máy.

"Chúng tôi nhận việc theo nhiều cách. Tính theo bó, hoặc tính theo tấn, hoặc tính theo diện tích chứ không nhận theo ngày công lao động nữa. Nhận theo công thấp giờ không ai làm" - ông Chiến nói và cho biết, bình quân mỗi ngày, ông kiếm được chừng 500.000đ. Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông có 4 người liên tục đi thu hoạch mía thuê, hiếm có ngày nào nghỉ ở nhà nên cũng kiếm được kha khá.

Mỗi bó mía 12 cây thế này được trả 8.000 tiền công đốn, kèm điều kiện chuyển bốc lên xe hoặc lên ghe để chủ vườn chở đến nhà máy đường bán. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Nguyễn Văn Đắc - Phó phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung - cho biết, cây mía đang là cây chủ lực của địa phương. Vụ mía năm 2018, toàn huyện trồng hơn 5.400ha. Dù đã giảm diện tích so với trước, nhưng năm nay, nông dân vẫn gặp khó khăn khi giá mía thấp, lại càng khó khăn thêm khi bị nợ tiền mía kéo dài. Trước tình hình đó, vụ này, trong số hơn 5.400ha quy hoạch trồng mía, hiện người dân mới chỉ trồng khoảng 3.000ha, đã chuyển qua trồng cây ăn trái hơn 400ha, còn hơn 1.300ha đang bỏ hoang sau khi đã thu hoạch mía.

TRẦN TUẤN - TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/khon-don-vi-bi-nha-may-no-tien-nong-dan-keo-den-tru-so-huyen-keu-cuu-611531.ldo