Khốn khổ vì thiếu nước sạch

Dù tỉ lệ dân đô thị được cấp nước rất cao nhưng Hà Nội vẫn bị thiếu nước sạch vào những tháng cao điểm mùa hè, mức độ phục vụ dịch vụ còn thấp khi người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi vỡ ống, cắt nước...

Từ 5 năm nay, hàng ngàn người dân khu đô thị (KĐT) Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) phải dùng nguồn nước sinh hoạt nhiễm asen. Theo phản ánh của người dân, nếu không qua thiết bị lọc, nước sạch mà người dân ở đây được cung cấp không thể dùng trong sinh hoạt.

3 triệu người chưa được dùng nước sạch

Trước thực trạng này, thời gian qua, cư dân KĐT Tân Tây Đô gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Cư dân Hồ Sỹ Thắng bất bình: "Thật khó có thể chấp nhận được khi sống trong KĐT ở ngay thủ đô nhưng lại phải chịu cảnh sử dụng nước không được bảo đảm, nguy cơ mắc các loại bệnh tật".

Ở nhiều chung cư, khu đô thị mới ở Hà Nội, người dân phải đi mua từng xô nước Ảnh: HUY THANH

Ở nhiều chung cư, khu đô thị mới ở Hà Nội, người dân phải đi mua từng xô nước Ảnh: HUY THANH

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra ở nhiều chung cư, dự án KĐT tại Hà Nội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Suốt thời gian dài, các hộ dân sinh sống tại nhiều tòa nhà ở KĐT Thanh Hà Cienco 5 (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) phải dùng nước sinh hoạt bẩn, có màu vàng đục, mùi hôi tanh khó chịu. Tại các chung cư cao cấp ở KĐT Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm), suốt một tuần lễ tính từ ngày 7-5, hàng trăm cư dân vất vả mang bình, can đi mua nước do việc cung cấp nước ở các chung cư bị gián đoạn.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều dự án nâng công suất nhà máy nước, dự án xây dựng nhà máy nước nhưng thực tế là khi hè tới, nhiều người sống ngay giữa thủ đô vẫn phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc, gần 3 triệu dân ở Hà Nội chưa được dùng nước sạch.

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay, tổng công suất nước cung cấp ở thủ đô đạt khoảng 1.065.145 m3/ngày. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 629.850 m3; nguồn nước mặt sông Đà do nhà máy nước sông Đà cung cấp khoảng 219.295 m3 (tổng công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 300.000 m3/ngày) và sông Đuống do nhà máy nước sông Đuống cung cấp khoảng 150.000 m3 (tổng công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 300.0000 m3/ngày).

Sở này đánh giá Hà Nội vẫn bị thiếu nước sạch; mức độ phục vụ dịch vụ còn thấp khi người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi vỡ ống, cắt nước. Một số nhà máy nước ngầm hiện nay bị suy giảm về trữ lượng cũng như chất lượng. Các nhà máy nước cách xa sông Hồng, không được bổ cập từ nước sông đã suy giảm về trữ lượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do tốc độ tăng dân số quá nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng cấp thoát nước không theo kịp. Sự xuất hiện của hàng loạt chung cư cao tầng ở các khu vực cuối nguồn, khu vực có địa hình cao khiến việc cung cấp nước sạch gặp khó. Bên cạnh đó, người dân còn thiếu ý thức tiết kiệm nước.

Theo quy hoạch cấp nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhu cầu sử dụng nước dùng đô thị đến năm 2020 là 1.560.000 m3/ngày; đến năm 2030 là 2.350.000 m3/ngày. Thực trạng như đề cập ở trên làm cho mục tiêu cung cấp nước sạch ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Tìm giải pháp căn cơ

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đánh giá hầu hết sông chính ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều bị ô nhiễm. Ở các KCN, ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề, như: nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu và các chất có hại khác.

Theo ông Bẩy, để giải quyết tình trạng này, cần có giải pháp tổng thể cấp bách và lâu dài. Trước tiên phải thực hiện song song 2 giải pháp căn bản: cải thiện chất lượng các nguồn nước cấp qua việc đầu tư các công trình thu gom, xử lý nước thải, rác thải; triển khai cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hiệu quả các công trình cấp nước tập trung. "Nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế thì việc cần thiết đầu tiên là bảo vệ các nguồn cấp nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất" - ông Bẩy nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN-MT (Bộ TN-MT), nhìn nhận từ nhiều năm qua, chúng ta chưa thực hiện quy hoạch một cách đầy đủ về hệ thống nước. Cụ thể Hà Nội chưa quy hoạch được 2 hệ thống nước thải và hệ thống thu gom nước mưa để xử lý riêng. Còn theo PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra theo quy hoạch cấp nước Hà Nội thì nên chia ra thành nhiều khu vực với những tỉ lệ đáp ứng nước sạch khác nhau. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm từ vành đai 4 trở vào sẽ phải đạt tỉ lệ 100% người dân được dùng nước sạch; riêng các đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Đông Anh, Thường Tín… phải đạt 90%-95%.

"Cần tận dụng khai thác có hiệu quả các công trình hiện có để bảo đảm đầu tư nước và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cấp nước sạch theo định hướng giảm dần việc khai thác nguồn nước ngầm và tăng tỉ lệ khai thác nước mặt" - ông Nguyễn Thế Chinh góp ý.

Căng thẳng mùa hè

Tình hình cung cấp nước ở Hà Nội trong những tháng hè rất căng thẳng, với dự báo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tăng từ 12%-15% so với ngày thường. Trước tình hình trên, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các nhà máy nước sông Đà, sông Đuống,sông Hồng... chủ động các biện pháp ứng phó. Trước mắt, các nhà máy bảo đảm cung cấp nước hè 2019 với công suất từ 1.150.000-1.300.000 m3/ngày.

VĂN DUẨN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khon-kho-vi-thieu-nuoc-sach-20190622202707732.htm