Khôn quá để làm gì?

Trên Facebook, bạn tôi kể câu chuyện anh kiếm một anh xe ôm gần nhà để đưa đón con đi học hàng ngày, gọi là chạy mối. Anh này mới đầu ra giá, tính ra bằng giá chạy xe Grab, bạn tôi đồng ý.

Một giờ sau, anh xe ôm gọi lại nói: “Tui mới kể với mấy thằng bạn chạy xe ôm chung. Nó nói giá đó tính ra là quá rẻ, anh phải đồng ý mức giá cao hơn, tôi mới chạy”.

Bạn tôi hỏi: “Giá ban đầu là chính anh đưa ra đúng không?”

“Đúng”.

“Vậy anh thấy giá đó có hợp lý không?”

“Thì cũng có, nhưng mấy thằng chạy chung nó nói rẻ, thành thử không chạy được”.

“Vậy thôi, anh cứ đứng chờ khách với mấy người bạn của anh tiếp nha”.

Bạn tôi kết luận:“Không phải phân biệt miệt thị, chứ đừng nói nghèo tại số”. Chạy bằng với giá Grab, lại không bị cắt 20% cho Grab, lại có một khoản thu đều đặn hàng ngày hàng tháng, vậy mà anh xe ôm bỏ qua mối làm ăn tốt như vậy. Anh này đúng là đại diện cho một lớp người Việt thấy đúng nhưng không giữ được lập trường của mình, với tâm lý bất an, luôn sợ thua thiệt.

Cái tâm lý bất an, luôn sợ thua thiệt đó sinh ra tư tưởng chụp giật, thái độ thích bon chen. Vào chỗ nào không xếp hàng thì chen lấn xô đẩy thôi rồi, nếu xếp hàng cũng cố qua mặt người khác. Đi đường thì cố lấn làn hoặc tràn lên vỉa hè để nhanh hơn người khác chỉ vài giây, vài phút dẫn đến hỗn loạn giao thông. Rồi vào làm ăn thì cố qua mặt người khác để chiếm chút tiện nghi nhỏ.

Có một chị kể chuyện bắt xe hơi Grab về nhà, vừa ngồi vào xe, cậu lái xe đề nghị chị hủy chuyến xe trên ứng dụng, cậu ta vẫn chạy với giá như trên ứng dụng, để khỏi bị cắt chia 20% cho hãng. Sau một hồi lên lớp cho cậu lái xe là người ta tạo công ăn việc làm cho cậu, giúp cậu kiếm tiền, người ta cắt tiền như vậy để chi phí cho văn phòng, hệ thống, nhân sự... là công bằng, chị không đồng ý hủy chuyến xe trên ứng dụng, cậu lái xe hậm hực cho xe chạy.

Chuyện khác chị kể bà hàng xóm bê một đống tờ rơi in rất đẹp sang cho con chị đóng kế hoạch nhỏ cho trường học. Hỏi tờ rơi này ở đâu ra, bà hàng xóm nói thằng con bà làm cho công ty nhận phát hành tờ rơi cho một siêu thị, sếp công ty nói cứ nhận cho đủ, phát được bao nhiêu thì phát, còn lại mang về nhà.

Chị kết luận khá chua chát, nhưng không phải là không đúng: ở Việt Nam thật lắm người khôn ngoan, lọc lõi, nghĩ ra trăm mưu ngàn kế để qua mặt người khác, đút đồng tiền vào túi xong cười hỉ hả vì chúng nó ngu, nhưng dối trên lừa dưới, lừa đảo ăn chặn các kiểu rồi mà vẫn không kiếm được nhiều, sự nghiệp không có mà nhân cách cũng không.

Có người hậm hực vào bình luận: “Dùng từ cho đúng, chị nói thế là chụp mũ cả một dân tộc, trong đó có cả bố mẹ ông bà chị đấy”.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275758/khon-qua-de-lam-gi.html