Không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn có thể mắc liên cầu lợn

Những ngày gần đây ghi nhận nhiều vụ nguy kịch do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn. Một câu hỏi đặt ra là mặc dù năm nào cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn tiết canh, nem chua, nem chạo sống, gỏi cá... mà tại sao nhiều người dân vẫn thờ ơ?

'Tiết canh ngon như vậy ngày mai có chết cũng phải ăn'

Xa quê, lâu ngày trở về, chị Lê Thu Tr. ( Hàng Kênh, Hải Phòng) tổ chức liên hoan gặp mặt họ hàng. Chị Tr. được cậu em trai tư vấn đặt món dê và tất nhiên không thể thiếu tiết canh dê. 4 mâm cỗ với hơn hai chục bát ăn cơm tiết canh dê trông khá 'sợ hãi' với những người không dám ăn. Thế nhưng chỉ có 2 người ăn tiết cách hấp cách thủy còn lại đều ăn sống, thậm chí ông bác họ của chị Tr. sắp 80 tuổi, răng móm mém và đã 2 lần trải qua tai biến, lần tai biến gần nhất cách đây một tháng vẫn ăn ngon lành bát tiết canh mà nhất quyết không cho hấp chín. Ông cụ vung tay bảo: "Ngon thế này sao lại hấp chín, thèm tiết canh không chịu được, ăn mai chết tao cũng ăn!"

Mới đây trên mạng xã hội lan truyền một clip thử thách ăn tiết canh bằng thau, thực hư chưa rõ nhưng có hình ảnh 3 thanh niên đang ăn thi 3 chậu tiết canh vịt. Nhiều bình luận tỏ ra thích thú có người còn gọi là '3 anh em siêu nhân'. Nhiều người thì e ngại việc ăn tiết canh như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là khi bệnh liên cầu lợn đang 'tấn công' thời gian gần đây.

Món tiết canh dường như đã ngấm vào 'văn hóa ẩm thực' đến mức mà nhiều người quan niệm sáng mùng 1 âm lịch hàng tháng phải đi ăn bát tiết canh để có "vận đỏ" cả tháng. Thế nhưng đỏ thì chưa thấy chỉ thấy trên thực tế đã có rất nhiều ca nguy kịch vì bát tiết canh.

Mới đây nhất, ngày 23/3, Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Đinh Văn Kh. (SN1982, Hưng Yên), trước 9 ngày vào viện có ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Sau khi ăn 1 ngày, anh Kh. xuất hiện sốt không rõ nhiệt độ kèm đau đầu, mệt nhiều, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên). Sau đó tình trạng nguy kịch bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân được cấy dịch não tủy và kết quả có liên cầu lợn Streptococcus suis, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.

Thử thách ăn thau tiết canh được đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Thử thách ăn thau tiết canh được đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Hà Văn E. (SN 1950, Duy Tiên, Hà Nam), ngày 6/3, ông E. được hàng xóm cho một con lợn khoảng 50 kg bị ốm, một mình ông đã giết mổ lợn và nấu ăn. Ngày 7/3, ông E. nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn… Do diễn biến nặng, ngày 8/3 bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Với triệu chứng lâm sàng, biểu hiện suy đa tạng cùng kết quả chọc dịch não tủy cho thấy protein tăng - 2,58g/l, soi thấy cầu khuẩn Gram dương xếp đôi, cấy máu ra liên cầu lợn Streptococcus suis. Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp điển hình của viêm màng não do liên cầu lợn sau khi có yếu tố dịch tễ là tiếp xúc, giết mổ lợn ốm chết và ăn thịt lợn chứa vi khuẩn.

Tiết canh ngon một mà nguy hiểm tiềm ẩn cận kề.

Bác sĩ nói gì?

PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Chuyên gia cho biết thực tế có nhà hàng dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê,.. để bán nên khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis.

Một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống hoặc tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Đ.T.C. (nữ, 44 tuổi, trú tại Giao Thủy, Nam Định) làm nghề giết mổ lợn. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi do liên cầu lợn Streptococcus suis.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù nhiễm Streptococcus suis ít gặp ở người nhưng người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chính là: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết… và tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

Phương thức lây truyền

Cục Y tế Dự phòng cho biết: Liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa, ...) mang mầm bệnh.

Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. Bệnh có thể truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây qua kim tiêm nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Các đàn lợn non trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.

Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột.

Người đàn ông 42 tuổi gãi ra giun chui ở dưới da.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-an-tiet-canh-khong-giet-mo-lon-van-co-the-mac-lien-cau-lon-169230324004625007.htm