Không bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm

Công tác bảo đảm an toàn huấn luyện, diễn tập, lao động; duy trì, quản lý kỷ luật ở các đơn vị trong toàn quân luôn được quan tâm, triển khai bài bản, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên rất khó để ngăn chặn tuyệt đối các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn, ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đua của đơn vị. Nhưng không vì thế mà chỉ huy các cấp tìm cách bao che, giấu giếm, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu xuyên tạc, gây dư luận không tốt. Ngược lại, việc xử lý nghiêm kỷ luật, công bằng, minh bạch, có tình, có lý những vi phạm càng tạo môi trường quân ngũ lành mạnh, có tính kỷ luật cao, góp phần quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh, tình đoàn kết cán-binh bền vững.

Đại tá, Tiến sĩ NGUYỄN VĂN SƠN, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị: Không né tránh xử lý vi phạm

Quân đội là một trường học lớn, có môi trường sống lành mạnh, tính kỷ luật cao nên các gia đình đều yên tâm, tin tưởng khi giao con em cho các đơn vị quản lý, rèn luyện. Do đó, các đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo đảm an toàn mọi mặt, ngăn chặn quân nhân vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là với hạ sĩ quan, chiến sĩ. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để cấp trên đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cấp dưới. Thực tế cho thấy, dù huấn luyện, lao động trong môi trường quân sự có nhiều tính chất đặc thù, cường độ cao, khắc nghiệt, nặng nhọc nhưng tình trạng mất an toàn, vi phạm kỷ luật, đặc biệt là các vụ việc có tính chất nghiêm trọng không nhiều.

Tuy công tác quản lý, nắm bắt tư tưởng bộ đội được duy trì, thực hiện nghiêm nhưng rất khó ngăn chặn tuyệt đối vi phạm, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, cần nhìn nhận một thực tế là trước khi nhập ngũ, thanh niên có thời gian dài sống ở nhiều môi trường khác nhau, có thể thiếu lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc với internet và chứng kiến cảnh bạo lực trong phim ảnh, cuộc sống, thậm chí là ngay trong gia đình... nên dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức và hành vi. Khi về thực tế ở cơ sở, trong lúc đi kiểm tra, tôi từng chứng kiến trường hợp chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới chỉ vì không chào hỏi hay có ánh mắt “không thiện cảm”. Đây chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ nhưng không thể chấp nhận trong môi trường đoàn kết, văn minh, kỷ luật của Quân đội. Vì thế, có thể hiểu sự bức xúc của người dân trước những thông tin, hình ảnh chiến sĩ đánh nhau, nhất là với gia đình có con em thực hiện nghĩa vụ quân sự vì “của đau, con xót”.

Mọi trường hợp vi phạm kỷ luật của quân nhân đều phải tiến hành xử lý đúng quy trình, quy định, công bằng, dân chủ, nghiêm minh. Tuy nhiên, thực tế vẫn có đơn vị vì sợ trách nhiệm liên đới, ảnh hưởng đến thành tích thi đua mà chỉ huy giấu giếm, gây tác động tiêu cực đến chiều hướng phát triển lành mạnh của tập thể quân nhân. Đó là tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương, sợ nhận trách nhiệm nên cố ý “bịt chặt” những lỗ hổng, khuyết điểm, sai trái của tập thể đơn vị mình; gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Hành động đó cần phải lên án mạnh mẽ và kỷ luật thích đáng.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) tham gia trò chơi trong giờ giải lao trên thao trường. Ảnh: THANH HUY

Đại tá NGUYỄN SƠN, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3: Càng bao che, giấu giếm càng nguy hiểm

Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội nên việc xử lý quân nhân vi phạm phải được thực hiện thật nghiêm minh, công bằng, công khai, minh bạch. Nếu đơn vị cố tình bao che, giấu giếm, xử lý chậm hoặc xử lý không thỏa đáng các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, đặc biệt là đối với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng do lỗi chủ quan của quân nhân gây ra, nó sẽ giống như cơ thể con người bị mắc ung nhọt mà không được chữa trị kịp thời, càng để lâu càng nguy hiểm. Đây cũng là biểu hiện của bệnh thành tích, nếu để kéo dài sẽ hạ thấp uy tín, vai trò của cấp ủy, chỉ huy, gây bức xúc trong đơn vị, nội bộ mất đoàn kết. Nguy hiểm hơn là làm cho cán bộ, chiến sĩ nảy sinh tâm lý nhờn kỷ luật, vi phạm sẽ ngày càng gia tăng, khiến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu bị giảm sút.

Là đơn vị công binh thường xuyên có lực lượng phân tán đi làm nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 513 luôn chú trọng công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. Trước đây, ở đơn vị cũng có một số quân nhân vi phạm kỷ luật và đều bị xử lý nghiêm minh, đúng quy định, thẩm quyền, có tính nhân văn. Qua đó nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục và ý thức tự giác chấp hành kỷ luật cho những đồng chí khác. Những năm gần đây, Lữ đoàn không có vụ việc vi phạm kỷ luật phải xử lý, vi phạm thông thường ngày càng giảm, đơn vị bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đại tá NGUYỄN THANH HÙNG, Chính ủy Sư đoàn 968, Quân khu 4: Muốn tiến bộ phải mạnh dạn nhận khuyết điểm

Thực tế rút ra là đơn vị tìm cách bao che, giấu giếm khuyết điểm, vi phạm thì kết quả sẽ không bền vững. Nó cũng tạo thói quen không trung thực đối với cán bộ, chiến sĩ cấp dưới; dễ để xảy ra vụ việc lớn, hậu quả nặng nề. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà kết quả thi đua trong năm của đơn vị có bị ảnh hưởng hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ huy thẳng thắn báo cáo, nhận khuyết điểm, cầu thị sửa sai thì chắc chắn đơn vị sẽ tiến bộ và được ghi nhận, xem xét khen thưởng.

Nếu không may xảy ra vụ việc vi phạm, nhất là vụ việc nghiêm trọng thì cần báo cáo kịp thời chỉ huy và cơ quan chức năng cấp trên để được hướng dẫn giải quyết; nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị, tránh để xảy ra đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Căn cứ vào tính chất, mức độ và thẩm quyền theo quy định phải điều tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới của người chỉ huy để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Kiên quyết xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, giấu giếm khi để xảy ra vi phạm kỷ luật, mất an toàn. Đội ngũ cán bộ các cấp tăng cường bám sát đơn vị cơ sở, hoạt động của bộ đội để kịp thời giáo dục, định hướng, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các biểu hiện vi phạm kỷ luật.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) tham gia trò chơi “Vượt chướng ngại vật” trong giờ giải lao trên thao trường. Ảnh: THANH HUY

Đại tá TRƯƠNG TẤN LINH, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 9: Chủ động phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Khi xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật, nhất là các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, chỉ huy đơn vị phải kịp thời báo cáo cấp trên theo quy định; tiến hành gặp gỡ quân nhân vi phạm, tìm hiểu rõ nguyên nhân, làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và đều phải có biên bản ghi lại nội dung sự việc. Tiến hành sinh hoạt các tổ chức trong đơn vị để mọi người đóng góp ý kiến cho quân nhân vi phạm. Nếu hành vi vi phạm đã đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiến hành các quy trình và ra quyết định kỷ luật; phối hợp với gia đình để giáo dục, động viên giúp quân nhân vi phạm tiến bộ; nghiêm cấm mọi biểu hiện kỳ thị, bàn tán trong đơn vị. Không để xảy ra tình trạng giấu giếm, “đóng cửa bảo nhau” đến khi không giải quyết được mới báo cáo chỉ huy và cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Để ngăn chặn quân nhân vi phạm pháp luật, kỷ luật, chỉ huy đơn vị cần chủ động giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, quá trình thực hiện nhiệm vụ và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ; giữa cá nhân với tập thể, cấp trên với cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội, với nhân dân; tập trung định hướng tư tưởng, trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết trong xử lý thông tin, nâng cao cảnh giác, không để bị lôi kéo, xúi giục vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhất là trên không gian mạng; nắm chắc, quản lý tốt diễn biến tư tưởng của bộ đội, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, bức xúc, bất minh về kinh tế, điều kiện, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, khó khăn, bệnh tật... Đơn vị cần chủ động, kịp thời động viên, giải quyết những vướng mắc và có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, hành hung đồng đội, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tự tử, tự sát, tham gia vào các tệ nạn xã hội...

Trung tá NGUYỄN CÔNG THỨC, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân: Xử lý nghiêm minh, không để tạo dư luận xấu

Thực tế ở một số đơn vị có xảy ra hiện tượng chiến sĩ đánh nhau, chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới, nhưng đó chỉ là thiểu số. Tuy nhiên, do cách xử lý không khéo léo của đội ngũ cán bộ, không trung thực, nghiêm minh dẫn đến làm sai lệch vụ việc. Lợi dụng những sơ hở đó, kẻ xấu xuyên tạc, tạo dư luận không tốt, bôi nhọ danh dự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.

Nếu không may đơn vị xảy ra trường hợp mâu thuẫn, người cán bộ quản lý, chỉ huy, nhất là cấp phân đội phải biết cách hóa giải, giải quyết hài hòa những mâu thuẫn đó. Trước hết, đòi hỏi người chỉ huy phải có kiến thức tổng hợp về tâm lý, xã hội, nghiên cứu nắm chắc quy định của pháp luật, điều lệnh quản lý bộ đội và các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của các cấp về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Khi xảy ra sự việc mất đoàn kết giữa các quân nhân, người chỉ huy phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân; nhanh chóng gặp gỡ, phân tích để quân nhân đơn vị thấy rõ đúng-sai. Song song với đó, phải phối hợp chặt chẽ với gia đình quân nhân, thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để nắm bắt quản lý và giáo dục. Sau xử lý kỷ luật phải phân công cán bộ quản lý theo dõi, giúp đỡ và ghi nhận sự tiến bộ của từng quân nhân.

Người sống trong kỷ luật là con người tự do nhất

Chỉ 0,28 giây, ứng dụng tìm kiếm Google đã cho ra 52,9 triệu kết quả với từ khóa “kỷ luật là gì”. Tuy các kết quả tìm kiếm có sự diễn đạt khác nhau trong định nghĩa về kỷ luật nhưng có thể khái quát như sau: Kỷ luật là những quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, đạo đức xã hội, do cơ quan, tổ chức đặt ra tạo khuôn khổ ứng xử chung trong một tập thể để duy trì sự ổn định, trật tự nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý, công tác, lao động, rèn luyện. Kết quả tìm kiếm cũng chỉ ra là kỷ luật giúp con người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; biết đặt lợi ích của tập thể, xã hội lên hàng đầu. Lối sống kỷ luật giúp con người loại bỏ thói quen xấu, biết tiết chế cảm xúc nhất thời để hạn chế vi phạm kỷ luật, bản lĩnh trước khó khăn, tạo ra năng lượng tích cực và được lãnh đạo coi trọng, bồi dưỡng, đào tạo nên có cơ hội thăng tiến, thành công cao hơn.

Tính kỷ luật là một trong những phẩm chất hàng đầu mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng đòi hỏi phải có ở người lao động. Người sống vô kỷ luật hoặc ý thức chấp hành kỷ luật kém chắc chắn sẽ bị đào thải. Vì nếu giữ họ lại làm việc thì sớm hay muộn, các nguyên tắc, quy định chung tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và để công việc đạt hiệu suất, chất lượng cao sẽ bị phá vỡ. Người có ý thức kỷ luật kém thường không được tin cậy, ít nhận được sự tôn trọng vì hay vi phạm nguyên tắc, thiếu trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao.

Nói về kỷ luật và rèn luyện kỷ luật thì Quân đội là môi trường lý tưởng. Không ngẫu nhiên mà khẩu hiệu “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội” được đặt ở vị trí cao nhất, phía trong cổng ra-vào cùng nhiều vị trí trang trọng, dễ thấy trong khuôn viên các đơn vị Quân đội. Đó là lời nhắc nhở, đồng thời là yêu cầu và là một trong những mục tiêu phấn đấu của Quân đội ta, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân luôn chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của Quân đội và pháp luật của Nhà nước, làm cơ sở thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Ngoài giáo dục, rèn luyện, để duy trì kỷ luật “thép”, Quân đội cũng có những hình thức kỷ luật nghiêm minh, thích đáng với các hành vi vi phạm. Nhưng chung quy lại, mọi quy định đều cốt để rèn giũa mỗi người trở thành người quân nhân có lối sống khoa học, kỷ luật, trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, trên dưới như một, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ; bảo đảm an toàn cao nhất trong huấn luyện, diễn tập, lao động... Lấy ví dụ như, việc yêu cầu bộ đội gấp, vuốt chăn, màn vuông vắn vào mỗi buổi sáng và đầu giờ buổi chiều sau khi ngủ dậy không đơn thuần chỉ vì giữ vệ sinh phòng nghỉ ngăn nắp, gọn gàng mà còn rèn luyện đức tính cụ thể, tỉ mỉ, chỉn chu trong công việc; bảo đảm khi có tình huống khẩn cấp xảy ra có thể nhanh chóng thu dọn, di chuyển. Hay như luyện tập điều lệnh đội ngũ, ngoài mục đích phục vụ quá trình học tập, công tác tại đơn vị còn rèn luyện cho bộ đội tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương, nghiêm túc, ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng tinh thần đoàn kết...

Bộ đội Tiểu đoàn 88, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không - Không quân) luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: XUÂN SANG

Phương pháp rèn luyện kỷ luật của Quân đội giúp quân nhân, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ biết tự giác khép mình vào kỷ luật và trưởng thành về mọi mặt sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhờ thế, họ luôn được các nhà tuyển dụng việc làm trọng dụng, đánh giá rất cao về tính kỷ luật; giúp bản thân có thêm quyết tâm, nghị lực vượt qua khó khăn, cám dỗ. Thay cho lời kết bài viết này, chúng tôi chia sẻ tâm sự của Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)-người từng có thời gian công tác ở Tiểu đoàn Tên lửa 82, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân): “Sự khắc nghiệt trong môi trường quân ngũ tạo nên kỷ luật "thép" để thử thách con người. Kỷ luật sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, có ý thức tự giác cao. Con người sống trong kỷ luật là con người tự do nhất. Vì thế, kỷ luật “thép” của Quân đội là nơi giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội để giữ mình, điều kiện để rèn luyện bản thân trở thành những con người cứng cáp giữa phong ba bão táp, giữa những thói hư tật xấu, cám dỗ của cuộc sống”.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khong-bao-che-giau-giem-vi-pham-khuyet-diem-738568