'Không bảo vệ được trẻ em là thất bại lớn của ngành giáo dục'

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến- Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã dành trọn phần tham luận của mình để nhấn mạnh về giáo dục mầm non khi góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục, sáng 15/11. Theo bà, với trẻ mầm non, chăm sóc và nuôi dạy thôi chưa đủ mà còn cần phải được bảo vệ mới gọi là toàn diện.

Bảo vệ trẻ để giảm nguy cơ bạo lực, xâm hại

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho biết, Điều 21 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa hoàn thiện khi chưa đề cập đến yếu tố bảo vệ trẻ mầm non. Điều này quy định, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Nội dung này chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm việc bảo vệ đối với trẻ em mầm non, đặc biệt đối với nhóm trẻ, lớp trẻ độc lập, với các cháu từ 3 tháng đến 3 tuổi.

Bà Yến nhấn mạnh, những năm gần đây, việc bạo lực trẻ em xảy ra trong các cơ sở giáo dục ngày một nhiều, có những sự việc khiến dư luận bàng hoàng, nhói lòng. Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết sự xót xa và phẫn nộ của xã hội.

Vụ bạo hành trẻ gây chấn động ở nhóm trẻ tư thục Phương Anh (TP.HCM)

“Không bảo vệ được trẻ em là một thất bại lớn của ngành giáo dục cũng như của xã hội, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hiện tại cũng như phát triển lâu dài của trẻ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ "bảo vệ" bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để những người làm công tác giáo dục, các cấp chính quyền ý thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ bảo vệ các em trước những nguy cơ bạo lực, xâm hại” – Nữ Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nhấn mạnh.

Cũng theo bà, giáo dục mầm non cần được ưu tiên các chính sách đầu tư phát triển ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tế cho thấy, ở những nơi này, tỷ lệ huy động trẻ em đi nhà trẻ rất thấp - chỉ 26,2%, cùng với đó là thiếu giáo viên mầm non, thiếu phòng học.

“Để sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết về chính sách phát triển giáo dục mầm non để có thể triển khai ngay khi luật có hiệu lực”- bà Yến đề xuất.

Việc miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi đề cập trong Dự thảo Luật, theo bà Kim Yến là chưa đủ. Bà đề nghị Chính phủ cân nhắc cân đối nguồn lực để có thể mở rộng hơn đối với đối tượng là trẻ em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi.

“Chúng ta hiện nay đang chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em miễn phí hoàn toàn bằng thẻ bảo hiểm y tế cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng như không đồng chi trả trong chi phí khám, chữa bệnh trẻ em. Để làm được điều này, đề nghị Ban soạn thảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội nhiều thông tin hơn nữa về các nguồn ngân sách nhà nước phải chi tiêu khi thực hiện từng cấp miễn học phí để có cơ sở cho đại biểu Quốc hội quyết định vấn đề này” – đại biểu Yến kiến nghị.

Nâng chuẩn giáo viên mầm non: Lo ngại chạy theo bằng cấp

Vấn đề cuối cùng được bà Ngô Thị Kim Yến đề xuất là cần cân nhắc quy định về nâng chuẩn giáo viên mầm non từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm. Hiện nay, tại nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng hải đảo, tình trạng thiếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn còn rất phổ biến. Thêm vào đó, xã hội chúng ta cũng đang rất lo ngại về việc chạy theo bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực và chất lượng nghề.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng)

Theo bà, thay vì chú trọng nâng chuẩn trình độ mang tính bằng cấp, cần chú trọng đầu tư bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy lứa tuổi mầm non chia làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc điểm chăm sóc, nuôi dạy khác nhau.

“Theo tôi, cần tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề phù hợp với việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho trẻ, cho các giáo viên đang phụ trách từng lứa tuổi tương ứng. Điều này cũng làm giảm áp lực cho ngành giáo dục cùng một thời gian ngắn phải nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học, đào tạo giáo viên đáp ứng với chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần Nghị quyết 88” – bà Yến nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Viết Lượng (Bình Phước) cũng đồng tình khi cho rằng, cần làm rõ hơn yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ năng lực mà người học trung cấp sư phạm còn thiếu, cần bồi dưỡng, đào tạo. Rà soát trong số giáo viên mầm non ở miền núi, vùng dân tộc và số người đã được đào tạo trình độ trung cấp sư phạm nhưng chưa được tuyển dụng và cần đánh giá tác động đối với 2 đối tượng này.

Luật cũng cần dự liệu giải pháp xử lý thích hợp trong trường hợp giáo viên mầm non trình độ trung cấp sư phạm công tác lâu năm, thực sự có năng lực, luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng vì lý do nào đó không tham gia bồi dưỡng đào tạo nâng chuẩn. Quan tâm công tác quy hoạch, sắp xếp, sáp nhập, giải thể cơ sở đào tạo sư phạm hiệu quả đạt chuẩn gắn với bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên liên quan.

Phúc Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/khong-bao-ve-duoc-tre-em-la-that-bai-lon-cua-nganh-giao-duc-post51359.html