Không bất ngờ khi Triều Tiên có bom A từ năm 2001

Việc Triều Tiên có bom A từ những năm 2001 hoàn toàn không phải là điều bất ngờ nếu biết quá trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Theo thông tin được Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ, ngay từ năm 2001, nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Chủ tịch Kim Jong-il nói Bình Nhưỡng đã sở hữu bom nguyên tử - bom A.

Thông tin Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hủy diệt khá sớm đã gây bất ngờ cho thế giới.

Ngay từ những năm 1965, dù từ chối giúp Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân sau khi Bình Nhưỡng lên tiếng nhờ cậy, nhưng Liên Xô đồng ý hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Thiết bị được cho là đầu đạn nhiệt hạch thu nhỏ của Triều Tiên.

Sau một số thỏa thuận đạt được vào thời điểm đó, chuyên gia Nga đã đến hỗ trợ tham gia xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía Bắc với một lò phản ứng nhỏ, đồng thời giúp đào tạo những chuyên gia hạt nhân đầu tiên cho nước này.

Trung tâm tại Yongbyon hoạt động sau đó không lâu cho đến năm 1973, Liên Xô cung cấp cho Triều Tiên các thành phần nhiên liệu được làm giàu đến 10% để vận hành lò phản ứng trên.

Đến năm 1974, Triều Tiên đã tự lực hiện đại hóa lò phản ứng, đồng thời chuyển sang sử dụng nhiên liệu được làm giàu đến 80%.

Theo chuyên trang Global Security, cũng trong năm này, chính quyền Bình Nhưỡng bắt đầu tự xây lò phản ứng nghiên cứu thứ 2 và một nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu vào năm 1979 và chính thức chuyển hẳn sang phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời thử nghiệm những vụ nổ có sức công phá lớn.

Nhưng bước ngoặt thực sự được ghi nhận khi Triều Tiên đưa vào hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW tại Yongbyon vào năm 1986. Số phận của cơ sở này thăng trầm sau các giai đoạn hòa hoãn rồi căng thẳng giữa Triều Tiên với bên ngoài khi nó liên tục bị đóng cửa rồi nối lại hoạt động.

Global Security dẫn lời các chuyên gia phương Tây cho rằng lò phản ứng ở Yongbyon là nơi cung cấp chính vật liệu hạt nhân, chủ yếu gồm plutonium, cho các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Theo tờ The Japan Times dẫn tiết lộ của nhiều quan chức Islamabad hồi năm 2002, dù bị các cường quốc ngoảnh mặt và cấm vận từ Liên Hiệp Quốc nhưng Triều Tiên vẫn xoay xở để tiếp cận được công nghệ hạt nhân của Pakistan vào thập niên 1990.

Thành công này càng khiến Bình Nhưỡng thêm tự tin đương đầu với áp lực từ Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều bên khác để rồi rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tự nhận mình đã bước vào hàng ngũ những quốc gia hạt nhân ngay sau đó.

Theo thông báo từ KCTV, Triều Tiên đã thử hạt nhân 5 lần kể từ năm 2006, hai lần diễn ra năm 2016 sau những lần bí mật được thực hiện ngay từ năm 2000.

Và vụ thử bom H mới nhất được Triều Tiên thực hiện vào khoảng 13h30 ngày 3/9 (giờ Việt Nam) – vụ thử nghiệm diễn ra không lâu sau khi KCNA đưa tin Triều Tiên đã phát triển được một quả bom nhiệt hạch có thể gắn lên ICBM.

Với quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hủy diệt của Triều Tiên thì thông tin ông Putin tiết lộ Bình Nhưỡng có bom A từ năm 2001 không phải là thông tin bất ngờ.

Tổng thống Nga tiết lộ: "Năm 2001, trên đường đến Nhật Bản, tôi đã ở Triều Tiên và gặp ông Kim Jong-il và nói với tôi rằng, nước ông có bom nguyên tử. Hơn nữa, ông còn nói rằng, với sự hỗ trợ của hệ thống pháo đơn giản có thể đưa bom đến Seoul dễ dàng".

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/khong-bat-ngo-khi-trieu-tien-co-bom-a-tu-nam-2001-3344489/