Không bị động trong ứng phó thiên tai

Lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại sông Đà Rằng, TP Tuy Hòa. Ảnh: XUÂN HIẾU

Tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây hậu quả lớn. Trước những diễn biến bất thường, khó lường của thiên tai, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều phương án để sẵn sàng ứng phó.

Diễn biến phức tạp, khó lường

Những năm gần đây, Phú Yên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, điển hình nhất là bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển… Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), cho biết: Thời tiết hiện nay không theo quy luật nên hậu quả rất nặng nề. Mới đây, dọc bờ biển khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài xảy ra triều cường, sóng biển lớn đã xâm thực vào đất liền, làm 5 ngôi nhà sập tường rào, móng nhà bị khoét sâu, hư hại một số công trình. Đây là hiện tượng bất thường mà trước đây chưa bao giờ xảy ra ở khu vực này, vì đang bước vào mùa hè nhưng triều cường, sóng biển lớn lại xuất hiện.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, mưa lớn và lốc xoáy bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân ven biển trên địa bàn huyện. Đợt mưa to, gió lốc này đã làm 2 người chết, hàng chục ngôi nhà sập, hư hỏng; 48 tàu thuyền bị sóng biển đánh vỡ và chìm; hơn 660ha lúa vụ đông xuân ngập nước, ngã đổ và nhiều diện tích cây trồng khác bị thiệt hại. Tại các xã ven biển An Ninh Đông, An Hòa Hải và An Chấn có hơn 2.600 lồng với khoảng 906.000 con tôm hùm ươm, 2.000 con ốc hương, 1.400 con cá bóp của khoảng 270 hộ dân bị sóng đánh hư hỏng, thủy sản nuôi bị cuốn trôi. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện đợt thiên tai này khoảng 139 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Năm 2022, 4 đợt thiên tai lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh làm 2 người chết, hơn 130 tàu thuyền bị sóng biển đánh chìm, hư hỏng; hàng nghìn ngôi nhà ngập từ 1-3m, nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2022 gần 420 tỉ đồng.

Nhiều lồng nuôi tôm hùm ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) bị sóng biển đánh dạt vào bờ trong đợt mưa lớn và lốc xoáy cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022. Ảnh: ANH NGỌC

Chủ động phòng ngừa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông khoảng 11-13 cơn, trong đó khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông khu vực Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9. Đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3… Còn theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, nắng nóng năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức cao và gay gắt hơn năm 2022. Dòng chảy các sông, suối trên địa bàn tỉnh ít thay đổi, có xu thế giảm dần, thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Nguồn nước trữ tại các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo phục vụ tưới sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, nhưng nguồn nước tưới vụ hè thu 2023 sẽ gặp khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ, vùng cao, xa khu tưới.

Để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm, các sở, ngành và địa phương đều xây dựng các phương án, kế hoạch. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: TX Sông Cầu có diện tích và số lồng bè nuôi trồng thủy sản rất nhiều, hàng năm xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, ngay từ đầu năm, thị xã cũng như các địa phương trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, sát với thực tế và theo phương châm “4 tại chỗ”. Quá trình triển khai thực hiện theo nguyên tắc chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời.

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Công tác chỉ huy, điều hành ứng phó với thiên tai của các cấp, các ngành là hết sức quan trọng, đòi hỏi phải sâu sát, nhạy bén và linh hoạt. Các sở, ngành, địa phương phải chủ động nắm bắt thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm từ các kênh thông tin, để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các địa phương chủ động tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức cộng đồng, ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó là quan trọng nhất với phương châm “phòng hơn chống”, “phòng tránh, tự cứu mình là chính”. Người dân cần phải tuân thủ sự chỉ đạo của cán bộ, lực lượng chức năng, không để bị động trong phòng chống thiên tai. Các địa phương cần tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình kết hợp như trường học, nhà cộng đồng… làm nơi tránh trú khi bão, lũ xảy ra; chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi phù hợp với từng loại hình thiên tai, thời vụ nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Phú Yên đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến của các loại hình thiên tai; hỗ trợ xây dựng nhà ở thích nghi với điều kiện thường xuyên chịu tác động do bão, theo chương trình hỗ trợ xây dựng gian nhà kiên cố bê tông cốt thép; cấp các loại phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ lực lượng cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các đập dâng, hồ chứa thủy lợi và các công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê biển, đê sông.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298152/khong-bi-dong-trong-ung-pho-thien-tai.html