Không bố trí tái định cư tại các bãi bồi cao quanh sông suối

Theo các nhà địa chất, trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh.

Trận lũ quét kinh hoàng đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Tổng cục KTTV cung cấp).

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) vừa phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa – nơi mưa lớn đã gây ra trận lũ quét kinh hoàng tại bản Sa Ná làm hàng chục người chết và mất tích, nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Kết quả của đoàn khảo sát cho thấy, suối Son có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc gây lũ quét do độ dốc lưu vực lớn, thời gian tập trung nước nhanh; lòng suối co hẹp và mở rộng liên tục, qua một số khe đá tạo ra các nút thắt dễ gây nghẽn dòng tạo nên lũ quét.

Đáng lưu ý, khu vực bị lũ quét ở bản Sa Ná và các công trình xây dựng như nhà trẻ và nhà văn hóa ở bản Son được hình thành trên bãi bồi cao hay còn gọi là “Foodplain” của một con suối. Vào mùa lũ, bản Sa Ná thường xuyên bị ngập nước.

Những năm trước đây, lũ lớn đã từng ngập vào các ngôi nhà trong bản nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng do không phải là lũ quét và không mang theo các cây lớn như trận lũ vừa qua. Với vị trí hiện tại của bản Sa Ná luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng nặng khi khi xảy ra lũ quét trên suối Son.

Các chuyên gian thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phân tích mẫu địa chất cho thấy, ở đây đã từng xảy ra trận lũ quét lớn (tương đương hoặc lớn hơn trận lũ quét vừa xảy ra). Tuy nhiên, thời điểm đã xảy ra lũ quét chưa thể xác định do cần thời gian phân tích mẫu.

Với các dữ liệu thu được, các chuyên gia của Tổng cục KTTV và Viện Khoa học ĐC&KS nhận định, lũ quét ở suối Son là lũ quét nghẽn dòng do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm nơi dòng suối bị co hẹp tự nhiên, sau đó mưa cường độ lớn làm nước dâng nhanh và phá vỡ đập tạm tạo sóng lũ về hạ lưu.

“Dòng nước lũ kèm cây cối bị dồn vào đoạn suối hẹp hơn so với trước đó nên gia tăng tốc độ và chuyển hướng, nhằm thẳng vào các ngôi nhà ở bản Sa Ná chứ không chảy theo dòng suối uốn lượn bên cạnh bản như các trường hợp lũ nhỏ. Đây là nguyên nhân chính gây thiệt hại về người, tài sản của bản Sa Ná”, các chuyên gia nhận định.

Theo các nhà địa chất, không nên bố trí tái định cư cho dân cư tại các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. (Ảnh: Tổng cục KTTV cung cấp).

Trước những kết quả điều tra, khảo sát, các chuyên gia của Tổng cục KTTV và Viện Khoa học ĐC&KS kiến nghị không tái định cư cho người dân bản Sa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét và trong các khu vực thường xuyên ngập nước, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét.

Theo các nhà địa chất, trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh.

Các chuyên gia cũng đề nghị tiếp tục điều tra khảo sát các khu vực tiềm ẩn nguy cơ nghẽn dòng gây lũ quét, sạt lở trong khu vực để đề xuất với địa phương phương án tái định cư cho người dân trên lưu vực suối Son.

Đồng thời, trên cơ sở kết quả của trường hợp điển hình này có thể tiếp tục thực hiện đối với các khu vực tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở khác thuộc vùng núi của nước ta.

Hoàng Thao

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-bo-tri-tai-dinh-cu-tai-cac-bai-boi-cao-quanh-song-suoi-post66676.html