Không cần giải cứu khoai tây, dùng cách đơn giản này lãi lớn

Nhiều nơi đang kêu gọi giải cứu khoai tây Lạng Sơn với giá bán chỉ 4.000 đồng/kg. Nhưng nông dân có thể gửi kho lạnh với chi phí 800 đồng/kg cả năm, để bán trái vụ sẽ hoàn toàn có lãi.

Trên địa bàn huyện Chi Lăng đang vào vụ thu hoạch khoai tây với sản lượng ước trên 1.000 tấn. Khoai tây cho sản lượng, năng suất tốt nhưng không tìm được đầu ra, không tìm được nơi tiêu thụ. Bà con hiện đang bán với giá 3.000-4.000 đồng/kg, không bằng một nửa so với giá của đầu vụ và năm ngoái nhưng sức tiêu thụ rất chậm.

Mới đây, Đoàn Thành phố Thái Nguyên cũng có công văn phát động các cơ sở Đoàn, Hội, Đội trực thuộc phối hợp, chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai tây trên địa bàn huyện Chi Lăng.

Hiện có rất nhiều cá nhân kêu gọi giải cứu khoai tây trên mạng xã hội.

Chị Huyền Trang cho biết, người dân Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay được mùa khoai tây mà không bán được. Sau khi kêu gọi “giải cứu” trên facebook, chị đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, có người mua ủng hộ cả tạ kg khoai tây. Hiện Trang đã vận chuyển được 4,5 tấn khoai về đến Hà Nội với giá bán chỉ 4.000 đồng/kg.

“Nông dân thật là khổ, mất mùa thì đói, được mùa mà ko có đầu ra. Mình chịu tiền vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội nên giá khoai tây về đến Hà Nội chỉ có 4.000 đồng/kg, tất cả là để ủng hộ, giúp đỡ cho bà con”, chị Trang cho hay.

Tại Học Viện Tài chính (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang có điểm bán giải cứu khoai tây với mức giá 7.000 đồng/kg.

Anh Hà Dũng kêu gọi mua khoai tây Chi Lăng, được trồng theo tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp sạch (VietGap), an toàn, ngon, ngọt và bổ. Năm nay khoai tây được mùa nhưng rớt giá và tiêu thụ khó khăn , giá bán "giải cứu"chỉ 7.000 đồng/kg”.

Nói về nguyên nhân giá giảm, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước và sau Tết giá khoai tây rất được nhưng sau đó giảm theo đà của rau. Năm nay, diện tích, năng suất khoai tây đều tăng so với năm ngoái.

Diện tích khoai tây ở miền Bắc chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng, số ít rải rác ở Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc.

Năm nay diện tích khoai tây khoảng 19.000 ha nhưng một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…có hỗ trợ giống khoai tây cho một số vùng nông dân trồng lúa bị sâu bệnh, mất mùa, nên diện tích khoai tây có tăng thêm gần 2.000 ha. Hơn nữa, năm nay thời tiết thuận nên năng suất khoai tây cũng cao hơn năm trước khoảng 1,5-2 tấn/ha.

Khoai tây vụ đông đã xong hết, nay chỉ còn khoai vụ xuân (khoai để làm giống và thương phẩm). Theo ông Định nếu bà con giữ nhiệt độ mát dưới 10 độ C thì vài tháng nữa giá bán khoai tây chắc chắn sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, thực tế nhu cầu khoai tây đang lớn hơn nhiều so với cung. Nếu xét toàn diện, thì diện tích khoai tây của chúng ta chưa đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ.

Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều khoai tây từ Trung Quốc để phục vụ cho cả làm giống và thương phẩm.

“Chính vì thế, năm nay chủ trương của chúng tôi là thúc đẩy mở rộng diện tích khoai tây, đặc biệt khoai tây xuân vì vào thời điểm thu hoạch khoai tây xuân năm ngoái và năm nay giá rất tốt khoảng 11.000 đồng/kg. Trong khi đó mỗi ha cho thu hoạch từ 25-30 tấn, như vậy chỉ trong vòng 90 ngày dân có thể có 300 triệu/ha. Đặc biệt hơn nếu thu hoạch khoai tây xuân có thể giữ làm giống, rút ngắn thời gian bảo quản giống được”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cho biết, qua thực tế các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa hiệu quả cao. Kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, khoai tây phát triển tốt hơn khoai tây đông, giá bán 8.000-11.000 mang lại lãi cho nông dân khá cao.

Tuy nhiên, một số thời điểm nhất định, khoai tây của Trung Quốc tràn vào, nếu thu hoạch rộ khoai tây đông mà không rải vụ, nông dân không có điều kiện bảo quản thì giá bán sẽ giảm, tư thương ép giá.

Như ở Thái Bình, các kho lạnh hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu bảo quản khoai tây. Chi phí bảo quản thấp, 1kg khoai tây bảo quản trong suốt 1 năm chỉ mất khoảng 800 đồng tiền điện, nếu duy trì bảo quản được như thế thì thay vì bán 4.000- 5.000 đồng vào thời điểm cao vụ có thể bán 10.000- 11.000 thì nông dân hoàn toàn có lãi.

“Chính quyền địa phương phải nâng cấp hạ tầng, dịch vụ, xây dựng các kho lạnh để bảo quản, giúp nông dân giải quyết vấn đề về giá tại thời điểm thu hoạch cao nhất”, ông Sơn nói.

Thùy An

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khong-can-giai-cuu-khoai-tay-dung-cach-don-gian-nay-lai-lon-post258173.info