Không cần tránh gió Lào?

TP - Gió Lào vẫn được nhắc tới với đặc điểm khô nóng, gây khó chịu và ảnh hưởng tới kiến trúc xây dựng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, gió Lào chỉ gây khó chịu, chứ không gây hại cho sức khỏe.

Theo ông Nguyễn Huy Côn, nguyên Tổng Thư ký Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, gió phơn đưa nóng đến gây khó chịu, nhưng gió mạnh lại gây ra tỏa nhiệt cơ thể nên không có tác hại gì đối với sức khỏe. Đây là loại gió khô và nóng, thổi từng cơn từ hướng tây-nam lại, kéo dài hai đến ba ngày, có khi liên tục đến 15 ngày, sức gió lên đến cấp 5, cấp 6. Không phải chỉ ở Việt Nam, từ lâu, trên thế giới, người ta đã nói nhiều đến hiện tượng gió phơn. Đã có nghiên cứu tác động gây bệnh của gió này tại nhiều vùng trên thế giới. Các tác giả đều thống nhất, phơn gây tác hại rõ rệt trên cơ thể người như khả năng làm việc và khả năng tập trung giảm đi, thần kinh bị kích thích nặng nề bởi gió tác động lên tuyến yên, lên hệ thần kinh giao cảm và các tuyến nội tiết khác. Đặc biệt, các nhà khoa học phát hiện ra hội chứng gió nóng ở trẻ sơ sinh với ba dạng, từ kích thích đơn giản sang thể nặng mất nước, và một dạng nhẹ hơn ở trẻ em lớn tuổi. Tại Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ trước, một số nhà nghiên cứu của ngành y và xây dựng bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của thứ gió này tới sức khỏe người và với kiến trúc. Tuy nhiên mới chỉ là nghiên cứu bước đầu đối với lứa trẻ sơ sinh, chưa bao quát được khắp các lứa tuổi. Hơn thế, vì có sự thích nghi tạm thời và thích nghi lâu dài và khả năng cân bằng nhiệt của cơ thể người nhờ sự mất nước qua đường bài tiết và tiêu hóa, nên sự khác biệt lớn giữa tác động có hại của phơn Trường Sơn lên cơ thể con người so với điều kiện nóng ẩm thông thường của khí hậu vùng này, trong thực tế không thể hiện rõ rệt. Thậm chí, theo điều tra trong một số nghiên cứu đối với cư dân tại các vùng đó, ông Côn cho biết thêm, dân tại đây không có gió không chịu được, bởi đa số người Việt Nam quen dùng gió. Áp dụng giải pháp kiến trúc thoáng hở cho vùng có phơn Trường Sơn là giải pháp hợp lý. Theo lý giải của ông Côn điều này có ý nghĩa quan trọng, cho phép vẫn có thể chủ động đưa gió vào phòng ở, làm tăng khả năng nhận nhiệt bốc hơi của môi trường bên trong phòng. Theo một thí nghiệm của Viện KHKT Xây dựng và Viện Thiết kế Nhà của Bộ XD về khu nhà Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An từ năm 1976, toàn bộ nhà đều xây theo hướng đông-tây với những ngôi nhà 4-5 tầng, quay theo hướng đông tây (hướng hơi chếch so với hướng gió phơn tây nam) cho đến thời điểm này vẫn ổn về mặt kiến trúc, cũng như sức khỏe đối với cư dân trong đó.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=191929&channelid=46