Không chấp nhận văn hóa công sở lỗi thời, giới trẻ Nhật Bản ra nước ngoài tìm việc

Văn hóa doanh nghiệp lỗi thời của Nhật Bản đang khiến nhiều thanh niên trong nước tìm đến châu Âu và các nước phương Tây khác để có sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nhưng văn hóa doanh nghiệp lỗi thời của đất nước này đang thúc đẩy nhiều thanh niên Nhật Bản phải tìm việc làm ở nơi khác. (Nguồn: EPA-EFE)

Bỏ việc trong nước, tìm việc nước ngoài

Khi Jun Shigeno gia nhập một công ty ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản, tân cử nhân này rất đam mê kinh doanh và hào hứng với các cơ hội học hỏi, phát triển các kỹ năng mới và đóng góp vào sự phát triển của công ty. Hơn nữa, sau bốn năm học đại học, Shigeno cũng mong muốn nâng số dư tài khoản ngân hàng trong tình trạng thiếu thốn.

Hai năm sau, Shigeno thường xuyên mệt mỏi, hiếm khi có thời gian gặp bạn bè hay gia đình và nói rằng những gì cậu có trong tài khoản ngân hàng chỉ nhỉnh hơn một chút. Và khi Shigeno, 24 tuổi, nhìn những đồng nghiệp đã gia nhập công ty công nghệ trước anh vài năm, cậu lo sợ những yêu cầu đặt ra cho mình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, Shigeno bắt đầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài và đã tìm hiểu về các vị trí ở Đức và Canada.

Khi Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, những nhân viên có trình độ và năng lực chính xác là những gì các công ty nên tìm cách giữ chân. Nhưng đối với nhiều người trẻ, văn hóa doanh nghiệp lỗi thời đang đẩy họ đến những đất nước có triển vọng hơn.

Trong quá trình tuyển dụng của Shigeno, công ty đã trấn an cậu rằng họ muốn nhân viên được cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng điều đó không kéo dài lâu. “Lúc đầu, mọi thứ không quá tệ, nhưng bây giờ tôi đang làm thêm tối thiểu 60 giờ mỗi tháng và có thể lên tới 80 giờ”, Shigeno nói.

Đáng buồn rằng, chỉ 40 giờ làm thêm đầu tiên được trả lương, thời gian còn lại được phân loại là “dịch vụ ngoài giờ”. Hệ thống tương tự được áp dụng ở hầu hết các công ty Nhật Bản.

Các tòa nhà văn phòng vẫn sáng đèn vào ban đêm ở Tokyo. (Nguồn: Bloomberg)

“Mức lương không cao hơn ở công ty Mỹ hay châu Âu nhưng trong tuần tôi quá bận rộn, không có thời gian làm những việc mình muốn, còn còn cuối tuần thì phải học”, Shigeno nói với This Week in Asia.

Shigeno cho biết, các nhà tuyển dụng của Shigeno mong đợi cậu phải đạt được ba bằng cấp chuyên môn bổ sung hàng năm, với thời gian học duy nhất là vào cuối tuần.

Vợ sắp cưới của Shigeno là Nagisa Ota, cũng cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình và sẵn sàng chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, đối với cô, lý do hơi khác một chút.

“Tôi chỉ không cảm thấy đây là công việc dành cho mình. Tôi đã hoàn thành khóa thực tập ở Úc và thái độ đối với công việc ở các nước khác hoàn toàn khác”, Ota nói.

“Ở đó, không ai nghĩ đến tăng ca hay làm việc vào cuối tuần, mọi người đều rời văn phòng đúng giờ và công việc không phải là trọng tâm của cả cuộc đời họ. Ở Nhật Bản là vậy và đó không phải là điều tôi muốn. Tôi chỉ muốn một chút tự do”, Ota chia sẻ.

Không có số liệu thống kê của Chính phủ về số thanh niên Nhật Bản bỏ việc trong nước để tìm việc làm ở nước ngoài, mặc dù có bằng chứng cho thấy điều này đang trở nên phổ biến hơn.

Ông Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách trưởng của Đơn vị tình báo thị trường toàn cầu của Fujitsu, lập luận rằng việc ra nước ngoài làm việc thực sự có thể mang lại lợi ích cho giới trẻ Nhật Bản.

“Tôi có thể nói rằng trong vài năm nay, có quá ít người Nhật chuyển ra nước ngoài vì khi thế giới của chúng ta xích lại gần nhau hơn, chúng ta cần những người trẻ ra nước ngoài, tiếp thu những kỹ năng và quan điểm mới cũng như khám phá cách mọi thứ được thực hiện khác biệt như thế nào”, ông nói.

Ông nói thêm: “Có quá ít người Nhật trải nghiệm thế giới bên ngoài Nhật Bản cũng góp phần kìm hãm đất nước này”.

Phát triển năng lực của họ trong một môi trường hoàn toàn khác sẽ cho phép những người trẻ thích phiêu lưu trở thành những nhà lãnh đạo được trang bị những hiểu biết mới về kinh doanh toàn cầu nếu họ quay trở lại Nhật Bản trong tương lai hoặc đóng vai trò là người trung gian cho các công ty Nhật Bản muốn đưa sản phẩm và dịch vụ của họ sang thị trường mới, theo ông Schulz.

Ông nói: “Những người này có thể trở thành những nhà đổi mới trong tương lai và điều đó cũng sẽ tích cực cho Nhật Bản”.

“Mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé”

Em trai út của Shigeno đã chuyển ra nước ngoài và đang hoàn thành khóa học thiết kế nội thất ở Pháp. Kể từ khi chuyển đến châu Âu bốn tháng trước, cậu cho biết rằng mình khó có thể quay lại sống ở Nhật Bản nữa. Và những người khác có vẻ cũng sẽ như vậy.

Emily Izawa, 21 tuổi, sinh viên năm ba tại trường đại học ở Tokyo và bắt đầu tìm việc làm, nhưng đã bị sốc trước những quan điểm khác nhau đối với công việc sau hai tháng ở châu Âu vào mùa hè này.

Cô nói: “Ở Nhật Bản, hầu như mọi người khi gia nhập công ty đầu tiên đều tin rằng họ sẽ ở lại đó cho đến hết sự nghiệp, nhưng tôi biết được rằng đó không phải là cách mà người châu Âu nhìn nhận tương lai của họ”.

Hơn nữa, một nhân sự được thăng chức ở một công ty châu Âu dựa trên mức độ giỏi của họ và không quan trọng họ bao nhiêu tuổi, học trường đại học nào hay giới tính của họ là gì, và điều đó hoàn toàn khác với Nhật Bản.

“Nhưng cách làm của nước ngoài tốt hơn vì nó khuyến khích mọi người cống hiến hết mình cho công ty và được khen thưởng một cách công bằng”, Izawa nói.

Izawa cho biết cô cũng cảm nhận được rằng, phụ nữ ở đây có khả năng cân bằng tốt hơn giữa sự nghiệp và gia đình, trong khi phụ nữ ở các tập đoàn Nhật Bản thường phải hy sinh cái này cho cái kia, và nhiều tập đoàn không muốn thăng chức cho phụ nữ vì cho rằng nhân viên nữ sẽ nghỉ việc sau khi kết hôn.

Phụ nữ trong các tập đoàn Nhật Bản thường khó cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình và phải hy sinh cái này vì cái kia. (Nguồn: AFP)

Izawa cũng nhận ra cách đồng nghiệp ở nước ngoài nói chuyện với nhau tạo cảm giác sảng khoái ngay cả trong môi trường kinh doanh so với cách nói chuyện nghiêm túc và quá trang trọng mà người Nhật nói chuyện với nhau.

Cô nói: “Tôi làm việc bán thời gian tại một quán cà phê và tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhân viên và khách hàng trò chuyện bình đẳng khi tôi ở Anh. Điều đó là không thể ở Nhật Bản, nhưng tôi nghĩ nó thoải mái hơn”.

Thông thạo tiếng Anh, Izawa hiện đang cân nhắc việc làm trong ngành du lịch ngay sau khi tốt nghiệp và hy vọng điều đó sẽ giúp cô có thể định cư ở nước ngoài.

Anh trai của cô, Issei, cũng đang tìm việc làm ở nước ngoài nhưng đã có một cách tiếp cận hơi khác khi gia nhập một chuỗi khách sạn quốc tế lớn với tư cách là quản lý cấp dưới với ý định chuyển đến một trong những cơ sở ở nước ngoài của công ty sau khi có vài năm kinh nghiệm.

Alyssa Hirata làm việc 18 tháng tại công ty Nhật Bản đầu tiên của cô sau khi tốt nghiệp trước khi xin nghỉ việc.

Cô nói: “Đối với tôi, tôi có cảm giác như bị mắc kẹt trong một thế giới nhỏ bé ở Nhật Bản và tôi muốn đi du lịch và sử dụng các kỹ năng tiếng Anh của mình. Tôi muốn nhiều hơn những gì Nhật Bản có thể cung cấp cho tôi”.

Hirata, 23 tuổi, đang tham gia một khóa học có thể dẫn đến sự nghiệp tiếp viên hàng không và hy vọng tìm được việc làm ở một công ty nước ngoài.

Cô nói: “Tại công ty trước đây của tôi, đối với mọi người xung quanh, công việc là cả cuộc đời của họ. Tôi không thể hiểu được điều đó và tôi đã phá bỏ mọi quy tắc bất thành văn, chẳng hạn như về nhà đúng giờ mỗi ngày. Đồng nghiệp nói tôi dũng cảm nhưng tôi không quan tâm. Tôi muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Tôi muốn có thể tự quyết định tương lai của mình và cách tốt nhất để làm được điều đó là làm việc ở nước ngoài”.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khong-chap-nhan-van-hoa-cong-so-loi-thoi-gioi-tre-nhat-ban-ra-nuoc-ngoai-tim-viec-post274820.html