Khống chế dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai

Ngày 31/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, trong hơn 3 tháng qua, toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch.

Đàn lợn tại một hộ nuôi ở Đồng Nai. Ảnh minh họa: Thu Hiền/TTXVN

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, năm 2021, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, lây lan rộng tại Đồng Nai với hơn 70 cơ sở chăn nuôi tại 8 huyện xuất hiện ổ dịch. Số lượng lợn phải tiêu hủy là gần 2.200 con. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh chỉ ghi nhận 4 ổ dịch tại 4 xã thuộc huyện Nhơn Trạch với số lượng lợn tiêu hủy là 35 con. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, toàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới.

Ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lợn trái phép, buôn bán lợn bị bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn của cơ sở chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.

Dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được không chế, song nguy cơ dịch tái bùng phát là rất lớn, bởi hiện nay mầm bệnh vẫn còn tồn tại. Để ngăn chặn dịch, các ban ngành chức năng đã kiên quyết không cho phép tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế người lạ tiếp xúc khu vực nuôi. Người dân khi phát hiện lợn có biểu hiện mắc bệnh thì cần báo cho cơ quan chức năng, tuyệt đối không đưa lợn bệnh ra thị trường. Chính quyền Đồng Nai sẽ nhanh chóng hỗ trợ những gia đình có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Hiện Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước với gần 2,7 triệu con. Lợn của Đồng Nai cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.

Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/khong-che-dich-ta-lon-chau-phi-tai-dong-nai-20220531181116361.htm