Khống chế vốn ngoại tại DN trung gian thanh toán: Chưa đủ sức thuyết phục

Mặc dù quy định không chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ở mức 49% là phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế, song cần có thêm giải trình rõ ràng và đầy đủ hơn cho doanh nghiệp để tăng tính thuyết phục cho quy định.

Việc thu hút vốn nước ngoài vừa giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn lực tài chính vừa có cơ hội tiếp cận, tận dụng các công nghệ tiên tiến. (Trong ảnh: Hướng dẫn khách hàng mua xăng thanh toán qua ví điện tử).

Việc thu hút vốn nước ngoài vừa giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn lực tài chính vừa có cơ hội tiếp cận, tận dụng các công nghệ tiên tiến. (Trong ảnh: Hướng dẫn khách hàng mua xăng thanh toán qua ví điện tử).

Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đưa ra quy định “tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ”.

Khống chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là quy định mới tại Dự thảo và làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng về vấn đề này. Vì vậy, quy định này nhận được nhiều ý kiến góp ý từ phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các doanh nghiệp thì quy định hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là chưa phù hợp với cam kết của Việt Nam trong một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (WTO, CPTPP...).

Trong khi đó, Ban soạn thảo cho hay, khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP. Do vậy, các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên. Việt Nam được quyền ban hành các biện pháp để quản lý hoạt động trung gian thanh toán mà không bị coi là vi phạm các nghĩa vụ cam kết quốc tế nêu trên.

Qua rà soát các cam kết của Việt Nam trong WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy, đối với loại dịch vụ ngân hàng, tài chính, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa đối với 11 dịch vụ cụ thể, trong đó có “mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng” nhưng không có dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã có cam kết cho thành lập hiện diện thương mại trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, Việt Nam chỉ cam kết cho các chủ thể nhất định được thành lập các hiện diện thương mại trong các lĩnh vực tài chính nhất định. Ví dụ, chỉ có tổ chức tín dụng nước ngoài mới được phép hiện diện thương mại cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính mà Việt Nam cam kết; với mỗi loại tổ chức tín dụng – ví dụ ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, tổ chức cho thuê tài chính thì lại có giới hạn về loại hoạt động.

VCCI cũng đã rà soát các cam kết mở cửa dịch vụ ngân hàng, tài chính trong các FTA khác (EVFTA, CPTPP), theo đó mức mở cửa đối với dịch vụ ngân hàng, tài chính cơ bản không đổi so với mức mở trong WTO. Đồng thời, ngay cả ở các khía cạnh mở hơn, cam kết mở cửa trong EVFTA, CPTPP không tự động áp dụng chung cho nhà đầu tư nước ngoài từ các nước ngoài Hiệp định. Trong khi Nghị định này có giá trị áp dụng chung, vì vậy không nhất thiết phải theo các mức mở cửa của EVFTA, CPTPP hay bất kỳ FTA nào khác.

Như vậy, giải trình của Ban soạn thảo về cam kết là hợp lý, tuy nhiên, VCCI đánh giá những giải trình này chưa đủ rành mạch để lý giải cho doanh nghiệp. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo phân tích kỹ nội dung này để giúp doanh nghiệp hiểu rõ, đầy đủ và chính xác về cam kết của Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khong-che-von-ngoai-tai-dn-trung-gian-thanh-toan-chua-du-suc-thuyet-phuc-118466.html