'Không chỉ chuyên viên, lãnh đạo sở cũng nhũng nhiễu doanh nghiệp'

Đó là nhìn nhận của ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại buổi trao đổi, đối thoại với đại diện khoảng 500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Buổi đối thoại do UBND tỉnh Nam Định tổ chức chiều ngày 12/10, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam...

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở ngành của tỉnh chủ trì, đối thoại đại diện doanh nghiệp.

Mong muốn lãnh đạo tỉnh tới quán cà phê để nghe đề xuất, kiến nghị

Tại buổi đối thoại, ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định thay mặt các doanh nghiệp thành viên nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh. Trong đó, ông Ngữ đề nghị UBND tỉnh sớm cho Hiệp hội thuê, mượn mặt bằng để mở quán Cà phê doanh nhân, mục đích nhằm mời lãnh đạo tỉnh tới lắng nghe các nhóm doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, đề xuất theo từng chủ đề.

“Đây là nơi tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp nhanh nhất trong ngắn hạn. Vừa qua tôi có dự hội nghị doanh nghiệp do tỉnh Hòa Bình tổ chức, tỉnh có mời 23 đoàn doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc đến để chia sẻ kinh nghiệm làm sao để chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Hòa Bình được nâng lên. Trong đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp một số tỉnh đứng tốp 5 của cả nước như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang đều có ý kiến: quán Cà phê doanh nhân là nơi lãnh đạo tỉnh có thể lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp. Hằng năm, các tỉnh này đều giao cho Hiệp hội doanh nghiệp lấy phiếu đánh giá mức độ nhiệt tình giải quyết công việc tại cấp Sở đối với doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh. Tôi đề nghị tỉnh Nam Định cũng nên làm như vậy!”, ông Trần Xuân Ngữ nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là nghịch lý một số ngân hàng hoạt động trên địa bàn có vốn nhưng không cho các doanh nghiệp vay được.

“Một số ngân hàng còn tồn khoảng 1000 đến 2000 tỷ đồng. Như Ngân hàng NN & PTNT chi nhánh Bắc Nam Định còn tồn gần 2.000 tỷ”, ông Ngữ thông tin.

Nguyên nhân, theo ông Ngữ là do nhiều doanh nghiệp hiện không đăng ký được tài sản trên đất. “Việc này rất khó. Từ khi lập dự án đến xin thuê đất, xây dựng phải mất 2 đến 3 năm. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mỗi thời điểm khác nhau; tư duy kinh doanh theo thị trường...nên khó tránh khỏi việc xây dựng nhà xưởng, khu phụ trợ không đúng so với giấy phép”, ông Ngữ giải thích.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan có cơ chế tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn xử lý, qua đó giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vay vốn ngân hàng...

Vị này cũng đề nghị chính quyền tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại quỵ định về mật độ trồng cây xanh trong các dự án xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp. “Xây dựng trong nội thành thì quy định mật độ xây dựng 20% cây xanh là hợp lý. Tuy nhiên, xây dựng ở ngoại thành mà 20% là quá lãng phí, ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp”, ông Ngữ phân tích.

Nội dung kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cũng cho rằng hiện nay doanh nghiệp phải chịu mức đóng bảo hiểm và kinh phí công đoàn quá cao. “Liệu rằng khi nước ta gia nhập hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì quy định này còn hiệu lực hay không?”, ông Ngữ nêu vấn đề.

Đặc biệt, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định kiến nghị bỏ quy định về mức lương tối thiểu vùng, cho phép doanh nghiệp được chủ động trả lương cho người lao động theo cơ chế thị trường. “Doanh nghiệp trả lương hợp lý sẽ thu hút được người lao động, tạo năng suất lao động cao và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đóng bảo hiểm và các chế độ khác cho người lao động”, vị doanh nhân nói.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc doanh nghiệp Thắng Xuyên nêu kiến nghị tại cuộc đối thoại.

Bàn giao công trình hơn 4 năm chưa được tỉnh trả hết tiền

Trong phần đối thoại trực tiếp, đại diện một số doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc cụ thể doanh nghiệp mình đang gặp phải. Trong đó, ông Trần Văn Thắng, Giám đốc doanh nghiệp Thắng Xuyên (Yên Nhân-Ý Yên) phản ánh: hưởng ứng kêu gọi đầu tư của xã Yên Nhân, của huyện Ý Yên, từ năm 2013 doanh nghiệp Thắng Xuyên cùng với một doanh nghiệp khác đã thỏa thuận, chi trả đền bù cho 40 hộ dân ở địa phương để lấy 20.000 m2 đất nhằm mục đích đầu tư xây dựng nhà xưởng, sản xuất các mặt hàng may mặc.

Năm 2014, doanh nghiệp trình hồ sơ lên tỉnh xin phép đầu tư nhưng lòng vòng mãi đến năm 2016 mới nhận được phản hồi từ Sở Kế hoạch-Đầu tư với nhiều yêu cầu bổ sung hồ sơ, và cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể tiến hành đầu tư sản xuất...

Trả lời phản ánh của ông Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị ông sớm mang hồ sơ lên Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh và giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Gia Tự trực tiếp xem xét, trả lời...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Nghị, chính quyền tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Riêng lĩnh vực dệt may, da giầy tỉnh không thu hút đầu tư vào khu vực xung quanh TP Nam Định. Đối với các huyện khác trong tỉnh, ông Phạm Đình Nghị cho biết nếu có doanh nghiệp nào muốn đầu tư thì tỉnh phải nghiên kỹ, nếu đảm bảo đúng quy hoạch, đủ nguồn lao động mới được xem xét cho phép đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nếu muốn đầu tư ở các địa điểm ngoài các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thì phải đảm bảo đầy đủ thủ tục với chính quyền, như phải có chủ trương đầu tư, sau đó theo luật đất đai doanh nghiệp mới có thể tiến hành giải phóng mặt bằng. “Doanh nghiệp không được tự động giao dịch giải phóng mặt bằng với bà con nông dân, giải phóng mặt bằng “chui” khi chưa có đủ thủ tục”, ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.

Ông Phạm Chính Hữu, đại diện Công ty CP xây lắp công nghiệp Nam Định thì phản ánh: năm 2012 doanh nghiệp này tham gia xây dựng công trình trụ sở Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Nam Định. Đến tháng 10/2014 thì công trình hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Mặc dù đã hoàn thiện tất cả các thủ tục, hồ sơ quyết toán nhưng mãi đến năm 2017 doanh nghiệp mới được tỉnh thanh toán 1,7 tỷ đồng, năm 2018 được 1,9 tỷ đồng trong tổng số hơn 9 tỷ đồng tỉnh nợ doanh nghiệp.

“Nếu tỉnh cứ trả nợ với tốc độ này thì vài năm nữa chúng tôi cũng chưa nhận hết được gần 6 tỷ còn lại. Để có tiền hoạt động, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng. Tính lãi ưu đãi 8% thì với số tiền trên mỗi năm doanh nghiệp cũng đã mất gần nửa tỷ tiền lãi. Như vậy thử hỏi làm sao doanh nghiệp có thể tồn tại, hoạt động và phát triển được?”, ông Hữu than thở với lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định.

Trả lời ông Hữu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Gia Tự đề nghị ông Hữu sớm mang hồ sơ lên làm việc với Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh, giao Giám đốc Sở Trần Anh Dũng tiếp thu, tổng hợp; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý số tiền tỉnh còn nợ Công ty CP xây lắp công nghiệp Nam Định. “Đầu tháng 12/2018, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh kế hoạch phân bổ ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản”, ông Ngô Gia Tự thông tin.

Chủ tịch HĐQT một công ty đang hoạt động tại Cụm công nghiệp An Xá (TP Nam Định) thì than rằng mấy năm nay, cụm công nghiệp được xây dựng đi vào hoạt động từ năm 2006 này luôn trong cảnh bị ngập lụt, cứ gặp mưa là nước tràn cả vào nhà xưởng của các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại đây.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này, kiến nghị chính quyền TP Nam Định có biện pháp xử lý nhưng cho đến nay thành phố không có động thái. Không đợi được, các doanh nghiệp hoạt động trong Cụm đã tự góp tiền xử lý đường ống thoát nước nhưng không ăn thua. Ngập lụt khiến hoạt đông của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối tác về làm việc nhìn thấy đã ngao ngán...”, vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp trên phản ánh đồng thời kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo,có biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt tại Cụm công nghiệp An Xá.

Tuy nhiên, lấy lý do hết giờ, kiến nghị trên của doanh nghiệp không được lãnh đạo UBND tỉnh giải đáp tại cuộc đối thoại.

Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, đề cập đến ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ,công chức ở tỉnh, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhìn nhận đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp rất ấm ức.

“Có ý kiến phản ánh đâu đó, sở này ngành khác còn có những chuyên viên gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp nhưng chúng tôi nhận định rằng không phải chỉ có chuyên viên không, có những lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở cũng như vậy. Lãnh đạo tỉnh cũng có khi phối hợp, xử lý chưa tốt việc của doanh nghiệp”, ông Phạm Đình Nghị thừa nhận. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về vấn đề này để lãnh đạo tỉnh biết, xử lý...

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nhan/khong-chi-chuyen-vien-lanh-dao-so-cung-nhung-nhieu-doanh-nghiep-tintuc419820