Không chỉ là chuyện di dời

Con số thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho thấy, toàn thành phố hiện có 504 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhưng mới có 188 trong tổng số 504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm, 316 cơ sở còn lại đang tiếp tục được chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, năm 2018 lại phát sinh mới 294 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong KDC. Một trong những địa bàn dân cư nhiều năm liền phải sống chung với ô nhiễm là khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận (quận 12). Thời điểm năm 2010 trở về trước, tại hai khu phố này đã có 42 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm về khói, bụi, mùi hôi, tiếng ồn, nước thải… Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay đã có 16 cơ sở di dời vào khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), bốn cơ sở vẫn bám trụ ở KDC tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở khác thực hiện các biện pháp khắc phục để tồn tại hoạt động.

Tại huyện Bình Chánh, thống kê của chính quyền địa phương cũng làm dư luận hết sức lo ngại. Huyện có khoảng 3.500 cơ sở sản xuất xen cài trong KDC và con số được đánh giá là ô nhiễm chiếm từ 10% đến 20%. Năm 2018, huyện phối hợp thành phố kiểm tra, xử phạt 160 cơ sở với số tiền 14 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 27 cơ sở, di dời 118 cơ sở vào các khu công nghiệp. Huyện đang thống kê các cơ sở ô nhiễm còn lại để có giải pháp khắc phục và tiếp tục thực hiện di dời trong năm 2019. Ngoài ra, thành phố vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm xen cài trong KDC nằm ở các quận 9, Tân Bình, Bình Tân…

Vấn đề bức xúc chính của người dân tại các KDC hiện nay là việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm vừa đi khỏi thì cơ sở khác lại mọc lên. Lý giải tồn tại, bất cập này, Sở TN và MT thành phố cho biết: Nguyên nhân của hiện tượng đóng cửa cơ sở này thì cơ sở khác mọc lên do các quy định trong thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh hiện nay không đòi hỏi phải có ý kiến của địa phương về nội dung bảo vệ môi trường cũng như quy hoạch ngành nghề. Do đó, doanh nghiệp (DN) sẵn sàng “đóng” cái cũ rồi “mở” cái mới cũng như khi có vi phạm, cơ sở liền thay đổi pháp nhân khiến cơ quan chức năng “hụt hơi” trong việc chạy theo kiểm tra và xử lý vi phạm. Một bất cập khác đang tồn tại là trước đây để buộc DN hay cơ sở gây ô nhiễm ngừng hoạt động thì biện pháp ngừng cung cấp điện, nước được cho là khả thi và đủ sức răn đe, thì nay lại không thực hiện được vì Nghị định 155/CP của Chính phủ không còn quy định biện pháp này, dẫn đến khâu xử lý vi phạm gặp nhiều trở ngại.

Để khắc phục những bất cập, tránh di dời ô nhiễm từ chỗ này sang chỗ khác, tránh phát sinh cơ sở ô nhiễm mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) khi cấp phép đối với các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, cần tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương nhằm sớm chỉ ra và loại trừ những DN vi phạm nhiều lần. Đồng thời, cần phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện để nhận diện sớm, giám sát chặt các cơ sở đăng ký kinh doanh trong 152 ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cần kiên quyết ngừng sản xuất, kinh doanh, cưỡng chế, buộc di dời các cơ sở vi phạm nhiều lần… nhằm bảo đảm cuộc sống và sức khỏe của người dân trong vùng lân cận. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố cần xem xét chính sách hỗ trợ để các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính di dời, thay đổi thiết bị công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường hoặc tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sớm di dời, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41741702-khong-chi-la-chuyen-di-doi.html