Không chỉ người đồng tính nam mới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao

Tại Điều 11, khoản 2, mục d có đề cập, ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Đoàn Hà Nội, không chỉ đồng tính nam mới có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, mà nguy cơ người đồng tính nữ bị lây nhiễm cũng rất lớn. Vì vậy, nên sửa lại là người có quan hệ tình dục đồng tính.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS bao gồm 14 điều khoản của Luật HIV 2006.

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật này, các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình; nhấn mạnh thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu “cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS” vào năm 2030 và giải pháp “tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS”; Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới…

Nêu quan điểm về Luật phòng, chống HIV/AIDS đại biểu Trương Phi Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, kết quả phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta sau 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 khá thành công, có ý nghĩa tích cực, nổi bật, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân tăng lên. Tình hình nhiễm HIV đã giảm cả 3 mặt là số người mới nhiễm, số chuyển sang AIDS, số người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS, kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Việt Nam thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất.

Đại biểu Trương Phi Hùng cũng cho biết, với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV, có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Song, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm tạo hành lang pháp lý đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Góp phần thực hiện, hiện thực hóa mục tiêu vào năm 2030, về cơ bản Việt Nam chấm dứt dịch bệnh AIDS, theo tinh thần Nghị quyết số 20, Ban Chấp hành Trung ương.

Do đó, đại biểu tán thành về sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Hà Nội

Bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Đoàn Hà Nội cũng thấy rằng, ở lần sửa đổi lần này thấy được sự cần thiết, trách nhiệm, và nhân văn. Cụ thể, một số vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT, người đồng tính, người chuyển giới ở điều 11 khoản 2; rồi vấn đề dự phòng và phát hiện thuốc phòng chống HIV, kháng HIV đây là một việc làm rất tốt, kháng HIV cho những người có hành vi, nguy cơ cao để phòng ngừa giảm nguy cơ lây nhiễm nhiễm HIV. Đây là cập nhật thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đoàn Hà Nội, Quốc hội cần thay đổi nội dung tại Điều 11, khoản 2, mục d về vấn đề, ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho người có quan hệ tình dục đồng giới nam. “Không chỉ người đồng tính nam mới có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, mà nguy cơ với người đồng tính nữ bị lây nhiễm cũng rất lớn. Vì vậy, nên sửa lại là người có quan hệ tình dục đồng tính”, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định và đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật với các quy định sửa đổi, bổ sung các luật khác có liên quan để bảo đảm không phát sinh bất cập, mâu thuẫn khi tổ chức thực hiện; tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra của Ủy ban và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-chi-nguoi-dong-tinh-nam-moi-co-nguy-co-lay-nhiem-hiv-cao-114684.html