Không chỉ phản ánh đời sống của nữ giới

Alice Munro (Giải thưởng Nobel Văn học 2013) bắt đầu viết văn từ tuổi thiếu niên, đã xuất bản 15 tuyển tập truyện ngắn. Ở Canada, không ai là không biết đến tên tuổi của bà.

Munro hy vọng độc giả hiểu tác phẩm của mình, và để hiểu được, nên bắt đầu từ tập truyện ngắn “Cuộc đời thương mến” (2012), bởi vì đây là tác phẩm xuất sắc nhất của bà. “Cuộc đời thương mến” có phong cách tự thuật, tạo nên những tình huống tưởng thật lại hóa ra không phải, hay nói cách khác là mang tính hư cấu. Thủ pháp này có thể thấy ở bất kỳ đâu trong tác phẩm của Munro, tạo nên sức mê hoặc lòng người. Chủ đề trong các tác phẩm của bà là đời thường, nhưng lại mang đến cho người đọc cảm xúc chấn động nhân tâm. Truyện ngắn cũng như tiểu thuyết trường thiên, làm cho độc giả cảm thấy sức nóng của đời sống thường ngày. Với lối viết mộc mạc, giản dị, ít dùng phép so sánh hay dấu chấm than, ít khi dùng thủ pháp cường điệu hóa, Munro thường đứng ở góc độ khách quan, bình tĩnh để miêu tả về các nhân vật trong sáng tác.

Munro cảnh giác với những gì được gọi là trật tự. Trong sáng tác của bà, nhân vật chính luôn trốn chạy khỏi một trật tự nào đó, như hôn nhân, gia đình. Những nhân vật nữ này tuy chưa có hành vi mạnh mẽ, nhưng sóng lòng lại cuộn trào mãnh liệt, chưa bao giờ ngừng nghĩ lại, xem lại quá khứ. Ở Canada, người với người vừa xa lạ, vừa gần gũi; nhiều thành phố giống như một ngôi làng lớn, ít người, cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi và trở thành một thứ xiềng xích nặng nề đối với nhân vật chính. Trong “Những chân dung gia đình”, Munro suy nghĩ về sự thuần phục của xã hội hiện đại đối với cá thể, hiếm khi bà xuất hiện ở cuối truyện, bà thay nhân vật và nói rằng: “Những người này đều là những người thành công, họ muốn cho trẻ con một gia đình êm ấm, gặp khó khăn có thể giúp đỡ lẫn nhau. Họ thành lập một cộng đồng, nói đến từ cộng đồng này, họ dường như phát hiện ra một sức mạnh của xã hội hiện đại”.

Người ta yêu thích sự nhạy cảm và tính châm biếm trong các tác phẩm của Munro, nhưng tất cả đều được dừng lại một cách đúng lúc, không khuếch đại, chính vì điều này, bà được mệnh danh là “Tchekhov của Canada”. Nhưng bà không giống với văn hào Nga Tchekhov (1860-1904) ở chỗ, Tchekhov yêu thích trữ tình, còn Munro lại lạnh lẽo. Tuy vậy, hai người có chung một điểm là thích viết về những đề tài bình dị, kêu gọi sự thức tỉnh của độc giả đối với cuộc sống đời thường.

Nhà văn Margaret Atwood là bạn thân của Munro, nói: “Những năm 60 của thế kỷ trước, xuất bản tiểu thuyết ở Canada là vô cùng khó khăn. Rất nhiều người Canada bắt đầu đọc tiểu thuyết là nhờ có truyện ngắn của Munro”. Nhưng trên bình diện quốc tế, tác phẩm của bà từng bị hoài nghi, nhất là sau khi bà đoạt giải Nobel văn học. Nhiều người lấy làm kinh ngạc vì Munro chỉ viết truyện ngắn mà không có tiểu thuyết trường thiên.

Có người còn cho rằng, Munro mười năm như một, chỉ viết về chuyện vặt đời sống, tác phẩm thiếu tính bố cục. Đứng trước sự hoài nghi, Munro chia sẻ: “Một câu chuyện giống như một ngôi nhà, bạn vào trong, ở đó một thời gian... Bạn có thể quay lại nhiều lần, và mỗi lần quay lại, thì ngôi nhà này, câu chuyện này lại có thêm nhiều nội dung hơn so với lần trước. Nó không chỉ là nơi bạn trú chân, mà nó có giá trị tồn tại riêng, không chỉ làm mê hoặc bạn hay cho bạn một nơi dừng chân”.

Truyện ngắn thường hạn chế về độ dài, thiếu “bề dày”, nhưng truyện ngắn của Munro lại chứa đầy cảm xúc về sự sống. Lối quan sát tinh tế và cách dùng ngôn ngữ “sạch sẽ” đã tạo nên sức mạnh mộc mạc trong truyện ngắn của bà, khiến tác phẩm không đem đến cảm giác sung sướng cho người đọc, mà làm người đọc rơi vào dòng suy tư về quá khứ, về quan hệ giữa hai giới.

Munro quan tâm đến nghịch cảnh của nữ giới, nhưng bà không chỉ đơn thuần là nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền, cũng không phải người theo chủ nghĩa bình đẳng tuyệt đối. Munro viết: “Phải luôn nhớ rằng, người đàn ông khi bước ra khỏi cửa nhà, họ vứt lại sau lưng tất cả, nhưng đàn bà khi đi ra, họ mang theo tất cả những gì xảy ra trong nhà”.

Dựa trên sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới, trong tiểu thuyết của mình, Munro viết về thành kiến của xã hội đối với nữ giới, quan hệ tế nhị của chồng và vợ, cách nhìn không giống nhau của đàn ông, đàn bà đối với cùng một sự kiện, từ đó thể hiện sự khác biệt về giới. Tác phẩm của Munro phản ánh toàn diện về sự nuôi dưỡng “khí chất nữ giới”. Ví dụ trong tác phẩm “Những chàng trai và cô gái”, tác giả muốn thông qua góc nhìn về giới, thể hiện quá trình nữ giới chịu khuất phục trước nhận thức chung của xã hội như thế nào, và cuối cùng họ phải trang điểm mình thành cảm tính, dịu dàng, có lòng đồng cảm, chú trọng ăn vận. Nhưng khi cô gái nhỏ lớn lên, lấy chồng và sinh con trở thành hình tượng của một người vợ. Tác giả viết: “Mẹ mệt và bận quá, không có thời gian nói chuyện với tôi... Tôi cảm thấy việc nhà không ngớt, ngột ngạt, mà đặc biệt là căng thẳng. Trong khi những việc bên ngoài, những việc phụ giúp bố đã trở thành công thức”. Từ một cô gái nhỏ, lớn lên thành người mẹ, truyện ngắn của Munro hình thành một vòng tròn định mệnh khép kín, đây là nguyên nhân tại sao truyện ngắn của bà lại dồn nén cảm xúc như thế.

Munro đã làm rõ những việc trải qua trong cuộc đời của một nữ giới và sự phản kháng, sự thất bại qua chuỗi thời gian của cuộc đời. Những nữ giới này, không chỉ đơn thuần là hình ảnh thu nhỏ của “bà nội trợ” ở tỉnh Ontario mà đã vượt qua khỏi ranh giới quốc gia, có sức cảm hóa mãnh liệt đối với tâm hồn nữ giới các nước khác. Từ Munro, chúng ta có thể cảm nhận được ý thức của người phụ nữ từ nữ văn hào Anh quốc Virginia Woolf (1882-1941). Tuy hoàn cảnh sống khác xa nhau, nhưng họ đều có nhận thức chung là thoát khỏi những ràng buộc đời thường. Nhưng không giống với Virginia Woolf, nhân vật nữ chính trong tác phẩm của Munro thường không tìm ra lối thoát triệt để. Munro viết về cảnh khó khăn của phụ nữ, cũng viết về khó khăn của chủ nhà, người chồng, làm cho quan hệ xã hội trong truyện trở nên tế nhị mà phức tạp.

TÔN THÀNH (Trung Quốc), PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/khong-chi-phan-anh-doi-song-cua-nu-gioi-576008