'Không chỉ tín dụng đen, ngân hàng cũng có lúc cho vay với lãi suất cao'

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất không đủ để định nghĩa tín dụng đen...

Trong thời gian qua, thực trạng tín dụng đen bùng nổ đã và đang là một vấn nạn không nhỏ, tạo ra nhiều hệ lụy xấu đối với đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc hiểu đúng bản chất của tín dụng đen không phải ai cũng rõ.

Lãi suất không đủ để định nghĩa tín dụng đen

Chia sẻ tại tọa đàm “Đi tìm giải pháp mở rộng tín dụng, "giải cứu" người dân khỏi tín dụng đen”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, không chỉ tín dụng đen cho vay nặng lãi bởi ngay cả tổ chức chính thống cũng có lúc cho vay lãi suất cao.

Lãi suất ở ngân hàng thì thỏa thuận giữa ngân hàng và khách và được điều chỉnh bởi luật TCTD. Theo đó, chuyên gia cho rằng, lãi suất không đủ để định nghĩa tín dụng đen.

Tín dụng đen là tín dụng không truyền thống, cho vay rất dễ dàng mà không cần hợp đồng, chứng từ, với lãi suất không chỉ nặng lãi mà còn "cắt cổ". Và đến bước thu hồi nợ là yếu tố định nghĩa rõ ràng nhất cho tín dụng đen, không như các tổ chức chính thống mà có một đơn vị đến đòi nợ như xã hội đen, bao vây người đi vay, dẫn đến những thiệt hại như giết người, cướp của,…

“Với tôi, có thể định nghĩa, cho vay không truyền thống, bởi những cá nhân, tổ chức không hợp pháp với số tiền nhỏ hoặc lớn, không có chứng từ, với lãi suất nặng lãi, thậm chí cắt cổ và thu hồi nợ mang tính xã hội đen. Tất cả những yếu tố này cấu thành nên tín dụng đen”, chuyên gia đưa ra định nghĩa.

Còn theo TS. Đỗ Hoài Linh, giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, có hai khái niệm mà mọi người thường nhầm lẫn, đó là "tín dụng phi chính thức" và "tín dụng đen".

“Không chỉ có Việt Nam và các nước trên thế giới đều tồn tại 2 khu vực tín dụng là tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức trong nền kinh tế”, TS. Linh cho hay.

Theo chuyên gia, tín dụng phi chính thức là những giao dịch vay mượn với bên cho vay không là cá nhân hoặc tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động cấp tín dụng.

Tín dụng phi chính thức bao gồm 3 nhóm chính: vay mượn từ người thân/bạn bè; vay mượn từ hụi/họ/biêu/phường (ROSCA – Rotating savings and credits association), đối với những quốc gia đang phát triển thì ROSCA còn được coi là ngân hàng của mọi đối tượng người dân, nơi mà tiền nhàn rỗi có thể được xoay vòng nhanh chóng, đáp ứng những nhu cầu tài chính bất chợt nảy sinh của người tham gia. Và cuối cùng là vay mượn những cá nhân hoặc tổ chức chuyên cho vay với những người không thể tiếp cận với nguồn tín dụng chính thức với lãi suất cao.

“Khi nhóm thứ 2 và 3 trong tín dụng phi chính thức cho vay với lãi suất rất cao (còn gọi là lãi suất cắt cổ) đi kèm với đó là phương thức đòi nợ kiểu xã hội đen, khủng bố về tinh thần và thể xác thường được xếp vào tín dụng đen”, TS. Linh cho hay.

"Tìm đến tín dụng đen vì bị dồn vào bước đường cùng"

Nói về đối tượng mà tín dụng đen thường hướng đến, TS. Đỗ Hoài Linh cho rằng, xã hội luôn có những cá nhân và doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng, do đó, nếu không nhận được hỗ trợ hoặc vay mượn được từ người thân quen hoặc nhận được vốn vay từ các kênh chính thức như ngân hàng, công ty tài chính… thì người dân (gồm cá nhân, doanh nghiệp) sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính là điều tất yếu.

Không những thế, kênh tín dụng chính thức thường có những tiêu chuẩn nhất định về khách hàng, mục đích sử dụng vốn, tài sản bảo đảm cũng như thủ tục vay vốn, trong khi những tiêu chuẩn ngặt nghèo đó trong tín dụng đen lại được loại bỏ nên hình thức này sẽ dễ thích hợp với tâm lý muốn giản tiện của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là những khách hàng không muốn vay từ kênh chính thức (là những người có nhu cầu vay những khoản nhỏ, tức thời và không thường xuyên) và những khách hàng dưới chuẩn (không đủ điều kiện vay từ kênh chính thức).

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), tín dụng đen có đặc điểm là lãi suất rất cao. Đối tượng đi vay tín dụng đen cũng thường là những người ở "bước đường cùng" nên khả năng trả nợ rất thấp. Theo đó, kết cục thường xảy ra là tình trạng "nợ chồng nợ".

“Khi chịu sức ép đòi nợ rất lớn từ lực lượng xã hội đen, người vay có thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, bán tài sản của những người thân quen, ăn cắp, ăn trộm, cướp giật, thậm chí giết người để lấy tiền trả nợ”, chuyên gia cho hay.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/khong-chi-tin-dung-den-ngan-hang-cung-co-luc-cho-vay-voi-lai-suat-cao-3498936.html