Không cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

TPO - Chiều nay, 23-11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâm nghiệp và Bảo hiểm nông nghiệp.

> Không thể khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông
> Chấm điểm bộ trưởng

TPO - Chiều nay, 23-11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâm nghiệp và Bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát (Nguồn: Internet).

Tại phiên chất vấn chiều nay, vấn đề cho thuê đất trồng rừng khá “nóng”. Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề Xã hội Nguyễn Thị Khá đặt ra vấn đề cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Tính đến hết tháng 8-2010, cả nước có tám dự án trồng rừng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng diện tích như trên, tuy nhiên chính quyền địa phương mới hợp đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê 18.571 ha. Một số được miễn thuế đất 11 năm hoặc toàn bộ thời gian dự án.

Qua rà soát, chỉ phát hiện tại tỉnh Lạng Sơn có một số diện tích đất giao trùng với đất đã giao cho dân và khu vực phòng thủ của huyện. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã thống nhất với nhà đầu tư loại bỏ toàn bộ diện tích thuộc năm xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực chồng lấn, khu vực rừng nguyên liệu ra khỏi phạm vi dự án.

Phần trả lời của Bộ trưởng Phát chưa làm rõ chất vấn của Đại biểu Khá là “việc làm trên đúng hay sai” mà mới chỉ cho biết các cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng siết chặt hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án trồng rừng có vốn nước ngoài.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: Nhiều đại biểu cảnh báo việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng? Tình hình này đã được ngăn chặn hiệu quả chưa? Xin cho biết cụ thể số lượng diện tích đất cho thuê, số lượng nằm trong vùng nhạy cảm?

Bộ trưởng Phát trả lời: Bộ NN&PTNT cùng các bộ đã kiểm tra rất nghiêm túc vấn đề này, đưa ra chủ trương dừng không cho thuê nữa, rà soát những nơi đã cấp, chỗ nào trồng lấn lên vùng nhạy cảm thì loại bỏ. Nơi nào đã cấp mà phù hợp với tiêu chuẩn về trồng rừng, không vào vùng nhạy cảm mới cho tiếp tục. Vẫn kiểm soát chặt và tất cả địa phương đã thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Đến giờ này, con số cấp giấy chứng nhận vẫn như 2010, cho thuê hơn 18.000 ha. Trên thực tế, các công ty nước ngoài đã trồng trên 13.000 ha rừng.

Tiếp tục chất vấn việc này, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi cho Bộ Kế hoạch Đầu tư: Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư về trách nhiệm kiểm tra, thẩm định trong việc cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng? Số liệu cụ thể ra sao?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Từ năm 1995 đến nay, có 10 dự án được cấp phép cho thuê rừng, nhưng phải sau khi có luật đầu tư nước ngoài (năm 1996) thì mới có chín dự án. Theo quy hoạch, dự kiến sẽ có 342.126 ha dành cho thuê.

Vừa qua, Nghệ An đã chủ động thu hồi 53.000 ha vì liên quan đến an ninh quốc phòng và một số dự án khác cũng được dừng lại để rà soát, do vậy, thời gian tới, dự kiến còn hơn 200.000 ha đã cấp phép. Tuy nhiên, trong đó, cũng chỉ có hơn 18.000ha có ký kết hợp đồng trồng rừng và hiện tại đã được sử dụng.

Bộ NN&PTNT cùng các bộ đã kiểm tra rất nghiêm túc vấn đề này, đưa ra chủ trương dừng không cho thuê nữa, rà soát những nơi đã cấp, chỗ nào trồng lấn lên vùng nhạy cảm thì loại bỏ. Nơi nào đã cấp mà phù hợp với tiêu chuẩn về trồng rừng, không vào vùng nhạy cảm mới cho tiếp tục - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Qua rà soát, cơ bản các địa phương thực hiện đúng theo quy trình cấp phép, trình tự. Đất rừng cho thuê chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc.

Theo ông Vinh, từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương dừng cấp phép, đến nay không có thêm một dự án nào được cấp phép. “Chúng tôi đã tiếp thu và thực hiện nghiêm túc” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Dự kiến năm 2012, 1.200 tỷ đồng cho bảo hiểm nông nghiệp

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đối với nông dân. Là đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đầu tiên, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi: Hiện nay người nông dân khi được mùa thì rớt giá, khi được giá mất mùa, đời sống khó khăn. Do vậy, nông dân quan tâm tới thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết về thực hiện vấn đề này?

Vấn đề này được Bộ trưởng Phát và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cùng bổ sung làm rõ. “Vấn đề này, khi triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân. Bộ cố gắng triển khai” – Bộ trưởng Phát cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (Nguồn: Internet).

Tiếp nhận vấn đề thí điểm thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã bổ sung ý kiến làm rõ. Xung quanh vấn đề tổng mức đầu tư cho nông nghiệp và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay, tổng mức chi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng qua các năm và năm 2012 dự kiến đạt 40% đầu tư của toàn xã hội.

“Trong năm 2012, Quốc hội và Chính phủ bố trí ngân sách cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp nông thôn 1.200 tỷ đồng. Tăng chi cho chương trình 62 huyện nghèo từ mức 2.050 tỷ đồng của năm trước lên 3.050 tỷ đồng, tức là tăng tới 48%” – Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, từ năm 2011 đến 2013 tập trung bảo hiểm rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Thiên tai thì tất cả các loại hạn hán, lũ lụt, rét đậm rét hại. Dịch bệnh tất cả của gia súc, thủy sản... Đối tượng trong chương trình thí điểm có ba đối tượng được chọn là: cây lúa, trâu bò gia cầm, cá tra, cá ba-sa. Cụ thể là thực hiện thí điểm với cây lúa thực ở Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, An giang ĐồngTháp… Đối với bảo hiểm gia súc, gia cầm là Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương… Thủy sản Bến Tre, Sóc Trăng, cà mau bạc liêu

Tất cả kinh phí bảo hiểm này, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% cho các hộ nông dân, cá nhân nhà nghèo; 80% cho các hộ cận nghèo; tất các đối tượng và hộ nông dân khác được hỗ trợ mức 60%. Đối với các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp này thì được hỗ trợ 20%.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết: Từ nay đến cuối năm hoàn tất các công việc khác để triển khai chương trình này và tổng kết thí điểm để trình với chính phủ, quốc hội để có thể mở rộng ra cả nước chương trình Bảo hiểm nông nghiệp nông thôn.

Mai Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/thoi-su/559034/khong-cho-nuoc-ngoai-thue-dat-trong-rung-tpov.html