Không cho vợ về quê ngoại ăn Tết, chồng có thể bị phạt?!

Mỗi dịp Tết đến - xuân về, ai ai cũng mong muốn được về quê đón Tết bên người thân, đặc biệt là những phụ nữ lấy chồng xa gia đình. Tuy nhiên, dù xã hội đã phát triển và văn minh nhưng vẫn còn những người đàn ông gia trưởng không muốn cho vợ con về bên ngoại.

Hạnh phúc gia đình được bắt nguồn bằng sự thấu hiểu, chia sẻ, cùng tôn trọng nhau của mỗi thành viên. Ảnh minh họa

Hạnh phúc gia đình được bắt nguồn bằng sự thấu hiểu, chia sẻ, cùng tôn trọng nhau của mỗi thành viên. Ảnh minh họa

Chuyện về nội- về ngoại mỗi dịp Tết của chị em phụ nữ

Tâm lý được về quê ngoại để đoàn tụ gia đình là nhu cầu chính đáng của mỗi người phụ nữ đã kết hôn. Nhưng khi bị cấm cản, phụ nữ thường có tâm lý thôi thì vì gia đình, vì con mà “cắn răng chịu đựng”. Tuy nhiên, hiện pháp luật đã có những quy định rõ ràng về việc, sẽ phạt đến 10 triệu đồng nếu chồng không cho vợ về quê ngoại ăn Tết. Vì vậy để “giải thoát” cho chính mình, phụ nữ trước hết nên nắm được luật để biết quyền lợi của mình như thế nào?

Lấy chồng đã hơn 10 năm, có với nhau 3 mặt con, là GĐ một Cty nhưng anh H, chồng chị Đỗ Thị T, SN 1881, người gốc Nam Định, hiện đang ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, lại khá bức xúc về việc chồng khó khăn trong việc cho mình về quê ngoại ăn Tết, trong khi 2 quê nội ngoại không cách xa là bao nhiêu. Anh luôn lấy lí do, công việc bận mải, cả năm ít có dịp cả gia đình cùng về quê chơi với ông, trong khi mẹ mất, bố ở 1 mình nên năm nào, anh cũng muốn cả gia đình về nội ít nhất hết 3 ngày Tết để cho ông vui.

Về phía chị T, chị cũng ấm ức vì nhà chị cũng neo người chỉ có 2 anh em, hiện đều lập nghiệp nơi xa, ở quê chỉ còn 2 ông bà, trong khi người mẹ bị liệt 10 năm, một mình bố chị phải chăm sóc, nên chị cũng muốn được về đỡ đần bố, chơi cùng mẹ cho vui cửa vui nhà.

Hai vợ chồng không đi đến thống nhất, dù phương án mỗi năm về 1 quê cũng không được anh chấp nhận, nên Tết năm nào chị cũng theo chồng về quê trong tâm trạng không được thỏa mái.

Ngược lại, chị Nguyễn Hương Giang, SN 1990, có quê gốc ở Thái Bình, đang làm giáo viên tại một trường phổ thông tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và quê chồng ở Phú Xuyên, Hà Nội, ngay khi cưới đã thỏa thuận cùng chồng, mỗi năm sẽ về ăn Tết tại một quê. Bởi theo chị, quê nào cũng là quê, bố mẹ nào cũng là bố mẹ, nên phải biết tôn trọng nhau. Mỗi năm về 1 quê, còn nếu không thì ở lại Hà Nội.

Có thể ở lứa tuổi mới, những người trẻ dễ chấp nhận hơn, nên mới đầu dù không đồng ý, nhưng do vợ quyết liệt anh chồng cũng đành theo. Đã mấy năm nay, mọi việc dần vào nếp, 2 bên gia đình rất vui vẻ, chấp nhận sự “công bằng” này. Nên không khí mỗi năm khi Tết đến xuân về càng thêm rộn ràng khi trẻ con được trải nghiệm ở những vùng quê khác nhau, đồng thời người lớn cũng thoải mái, không phải ấm ức

Chia sẻ về những việc đó, chị Giang bảo: Tất cả là nhờ sự khéo léo khi tranh luận cùng chồng, đồng thời bản thân mình cũng phải hiểu biết pháp luật, để khi “nói phải thì củ cải cũng nghe”.

Cũng trong tâm trạng trên chị N.H.P, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội cũng thắc mắc “dù đã lấy chồng được mấy năm nhưng chưa khi nào tôi được đón Tết tại nhà bố mẹ đẻ, hiện tôi mới biết đã có chế tài xử phạt đối với hành vi này?

Phạt đến 10 triệu đồng nếu người chồng cấm cản vợ

Pháp luật cũng đã có những quy định rõ ràng: Nếu người chồng có hành vi cấm cản, đe dọa không cho vợ về quê ngoại gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với vợ thì có thể bị phạt hành chính theo quy định.

Được biết, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó khoản 1 Điều 55 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó.

Luật sư Lê Minh Trường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, vào dịp Tết, về quê ngoại để đoàn tụ gia đình là nhu cầu chính đáng của mỗi người phụ nữ đã kết hôn. Nếu người chồng có hành vi cấm cản, đe dọa không cho vợ về quê ngoại gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với vợ thì có thể bị phạt hành chính theo quy định trên. Cũng theo Luật sư Trường, ngoài hành vi trên, tại Nghị định 144/2021, các mức phạt liên quan đến những hành vi bạo lực gia đình khác cũng tăng mạnh, thậm chí nhiều vi phạm đã tăng mức phạt lên gấp 10 lần.

Cụ thể, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 1 - 1,5 triệu đồng theo Điều 49 Nghị định 167/2013); Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 500.000 - 01 triệu đồng theo Điều 51 Nghị định 167/2013)

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 10 - 20 triệu đồng với một trong những hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối;

Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…(trước đây chỉ phạt 1,5 - 2 triệu đồng theo Điều 49, 50 Nghị định 167/2013).

Ngoài ra, cá nhân không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Linh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-cho-vo-ve-que-ngoai-an-tet-chong-co-the-bi-phat-319024.html