Không chủ quan, lơ là với 'giặc lửa'

Mặc dù thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Quảng Ninh. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn còn diễn biến phức tạp, tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ cháy, nổ, làm 1 người chết, thiệt hại về tài sản trên 3,8 tỷ đồng, trong đó có khoảng 11,9 ha rừng. Đáng chú ý là vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra vào ngày 10/6 vừa qua, tại phố Lê Lương, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, khiến 1 người chết và thiệt hại về tài sản khoảng 2 tỷ đồng...

Cũng trong đầu tháng 6 vừa qua, trên địa bàn TP Hạ Long đã xảy ra 2 vụ cháy, trong đó có một vụ cháy nhà và một vụ cháy trạm biến áp điện. Tuy không gây chết người, nhưng các vụ cháy này đã làm thiệt hại về tài sản khoảng hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, do được thông tin, tổ chức chữa cháy kịp thời của lực lượng chức năng nên đám cháy không lan sang các nhà xung quanh...

Nhìn rộng ra, trên phạm vi cả nước, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, trong đó có những vụ nhiều người trong cùng một gia đình đều bị tử vong. Điểm chung dễ nhận thấy ở các vụ cháy này là các ngôi nhà đều không có lối thoát hiểm nào khác ngoài cửa chính ra vào. Vì vậy, khi xảy ra cháy lớn, cửa chính bị lửa bao trùm, người trong nhà không còn đường để thoát thân.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ cháy phần lớn đều là do sự chủ quan, xem nhẹ, bất cẩn của các hộ gia đình, trong đó phần lớn là do việc sử dụng điện gây chập, cháy, nổ...

Trước nguy cơ cao xảy ra các vụ cháy, nổ, nhất là trong thời điểm mùa nắng nóng này, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất- kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành công an khẩn trương điều tra nguyên nhân, tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện về các vụ cháy, nổ thời gian qua. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cảnh báo những nguy cơ, nguyên nhân và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đặc biệt trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương, sử dụng ga, sử dụng điện; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, loại trừ nguyên nhân gây cháy; hướng dẫn việc trang bị và cách sử dụng các phương tiện chữa cháy, kỹ năng thoát nạn trong đám cháy và xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra. Tổ chức khảo sát, nắm tình hình địa bàn các khu dân cư, nhất là các khu vực có mật độ dân cư cao, tập trung nhiều nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh, xe chữa cháy không thể hoặc khó tiếp cận, xa nguồn nước chữa cháy...để chủ động trong việc nắm thông tin, xây dựng phương án xử lý hiệu quả các sự cố cháy, nổ xảy ra. Duy trì nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, công tác tiếp nhận và xử lý tin báo cháy, nổ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chủ động kế hoạch, phương án điều động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã khẩn trương tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và các trường hợp xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang công cộng, lòng lề đường, cản trở phương tiện chữa cháy di chuyển và tiếp cận. Chỉ đạo các cơ quan điện lực rà soát hệ thống đường dây, thiết bị điện tại các trạm biến áp, cột điện để tránh tình trạng quá tải, chập cháy và bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng xử lý khi có sự cố cháy, nổ...

Hậu quả từ những vụ cháy, nổ thương tâm, làm chết nhiều người thời gian qua, đang là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, mọi nhà về ý thức trong phòng cháy, chữa cháy và nhận thức trong việc đảm bảo an toàn cháy, nổ ngay từ đầu, ngay từ trong từng hộ gia đình. Hãy đừng vì sự thiếu ý thức, lơ là trong công tác phòng cháy chữa cháy, sự bất cẩn trong đảm bảo an toàn cháy nổ mà quên đi tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình. Mỗi người và từng gia đình cần trang bị đầy đủ cả về kiến thức, kỹ năng và các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả gia đình mình, đừng để hậu quả cháy, nổ xảy ra, vì khi đó có hối hận, rút kinh nghiệm thì đã quá muộn...

Thanh Tùng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khong-chu-quan-lo-la-voi-giac-lua-2923985.html