Không chủ quan phòng ngừa khủng bố cảng, bến thủy

Các đợt diễn tập phối hợp bảo đảm ATGT, tìm kiếm cứu nạn nhằm tập dượt công tác phối hợp chỉ đạo, triển khai...

Lực lượng tham gia diễn tập triển khai phương án giả định cứu thuyền viên khi tàu chở hàng gặp nạn

Lực lượng tham gia diễn tập triển khai phương án giả định cứu thuyền viên khi tàu chở hàng gặp nạn

Nắm chắc thông tin, kịp thời phối hợp

Tháng 11/2018, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam phối hợp với Cục CSGT tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn đường thủy trên sông Đuống qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tình huống giả định là tàu chở hàng khi đi tránh bão đến gần cầu Hồ bị hỏng máy, trôi giạt và đâm vào tàu khác, khiến cả hai tàu cần ứng cứu.

Vụ việc nhanh chóng được lực lượng bảo đảm giao thông đường thủy phát hiện, báo lên Cục ĐTNĐ Việt Nam và được lãnh đạo Cục này chỉ đạo lập đội ứng cứu, với sự tham gia của lực lượng thanh tra, cảng vụ đường thủy, CSGT. Tình huống khẩn cấp cũng được Cục ĐTNĐ Việt Nam chuyển đến Cục CSGT và chính quyền huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đề nghị phối hợp ứng cứu. Sau một thời gian,các lực lượng đã cứu sống được toàn bộ thuyền viên, đưa phương tiện vào bờ an toàn.

Toàn quốc có hơn 400 sông, kênh liên tỉnh và 124 cửa sông. Ngành đường thủy xác định, chú trọng phối hợp giữ gìn an ninh, phòng chống khủng bố trên các tuyến vận tải trọng điểm, các cảng thủy nội địa vận chuyển hành khách, khách du lịch, các cảng xăng dầu, hóa chất, các cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài...

Theo lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam, đợt tập dượt này có ý nghĩa đối với công tác nắm tình hình trên tuyến, khả năng tham gia ứng phó sự cố của các đơn vị trong ngành đường thủy, ứng phó các sự cố có thể xảy ra do thiên tai, mất an ninh trật tự, khủng bố có thể xảy ra trên đường thủy.

Dù đến nay các vụ việc liên quan đến mất an ninh, an toàn trên đường thủy như cháy nổ, chìm đắm phương tiện, tai nạn ở cảng bến... đều do tai nạn nhưng Cục ĐTNĐ Việt Nam không hề chủ quan trong thực hiện các nhiệm vụ được Bộ GTVT giao về triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống khủng bố. Đơn vị cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố và quán triệt các đơn vị trực thuộc thường xuyên tuyên truyền đến các địa bàn, đối tượng được giao quản lý nhằm nâng cao nhận thức về công tác trên.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị trực tiếp bám sát địa bàn như thanh tra, cảng vụ nắm chắc tình hình từng luồng tuyến, cảng bến và các sự kiện đông người tham gia trên đường thủy để kịp thời phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng, cấp có thẩm quyền biểu hiện bất thường về ANTT của cảng bến, phương tiện; không để bị động trước các tình huống khủng bố có thể xảy ra”, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin và cho biết, nhiều khả năng các phần tử khủng bố sử dụng tàu, thuyền hoặc kết hợp với phương thức vận tải đường biển, đường bộ để tiếp cận và tiến hành hoạt động khủng bố, nhằm vào các cảng thủy nội địa, phương tiện du lịch, cảng du lịch, cảng đầu mối xăng dầu, hóa chất. Về luồng tuyến, các tuyến đường thủy được chú trọng gồm 45 tuyến vận tải chính, các tuyến có hoạt động liên vận quốc tế với Trung Quốc, Campuchia qua tuyến sông Vạn Gia - Ka Long, tuyến sông Tiền, sông Hậu - sông Mê Kông.

Nâng cao nhận thức cho cảng, bến

Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, từ nhận diện những khu vực trọng tâm, trọng điểm trong công tác phòng, chống khủng bố, xác định vai trò nòng cốt, chính yếu cho công tác phòng, chống khủng bố trên ĐTNĐ tập trung vào lực lượng cảng vụ, thanh tra và các DN hoạt động trong lĩnh vực đường thủy. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tại các cảng thủy nội địa, lực lượng cảng vụ nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các nguy cơ mất an ninh và phòng chống khủng bố.

Vài năm gần đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện an ninh cảng thủy nội địa cho gần 200 cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ tại các cảng vụ và người của DN khai thác cảng. Trong chỉ đạo triển khai, các đơn vị trong ngành ĐTNĐ có trách nhiệm chủ động thông tin, phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống khủng bố. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp khai thác cảng thông tin thường xuyên, phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an ninh, phòng chống khủng bố.

Từ thực tế địa bàn, ông Huỳnh Lý, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Thái Nguyên cho biết, lực lượng cảng vụ hàng ngày tiếp xúc với cảng bến, phương tiện thủy ra vào cảng bến thủy nên thuận lợi trong việc tuyên truyền trực tiếp đến chủ cảng bến, thuyền viên nhằm nâng cao ý thức phòng chống khủng bố trên đường thủy. “Các chủ cảng bến, thuyền viên thường xuyên thông tin cho đại diện cảng vụ về tình hình cảng bến, luồng tuyến. Vì vậy, các biểu hiện liên quan đến mất an ninh, trật tự sẽ được thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng, nhất là với tình huống khủng bố có thể xảy ra”, ông Lý cho biết.

Đại diện các chi cục, cảng vụ đường thủy khu vực (trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam) đều cho biết, trong các đợt tập huấn về công tác bảo đảm ANTT do ngành chức năng, địa phương tổ chức đều cử cán bộ, người trực tiếp thực hiện công tác an ninh cảng đi tham dự để cập nhật, nâng cao công tác đảm bảo an ninh, phòng, chống khủng bố tại đơn vị.

Hồng Xiêm

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/khong-chu-quan-phong-ngua-khung-bo-cang-ben-thuy-d282687.html