Không chủ quan, thỏa mãn

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những hạn chế nội tại, nhưng đến nay có thể khẳng định, năm 2018, kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước tăng trưởng toàn diện, đạt nhiều kết quả tích cực.

Báo cáo kết quả điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ cho thấy: Trên cơ sở kết quả thực hiện chín tháng, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có tám chỉ tiêu vượt. Tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước. Về kinh tế, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4% và là năm thứ ba liên tiếp, CPI được kiểm soát dưới mức 4%. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Ðáng chú ý, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm mạnh; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng cao và vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng mà dẫn dắt là ngành chế biến, chế tạo.

So với đầu nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 1,3 lần (dự kiến đạt 5,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay), GDP bình quân đầu người đã tăng thêm 440 USD (khoảng 10,3 triệu đồng). Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội; môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Việc giữ được đà tăng trưởng cao, GDP vượt mục tiêu kế hoạch trong hai năm liên tiếp có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần thẳng thắn nhận diện những hạn chế, yếu kém của bức tranh kinh tế - xã hội, từ đó, không chủ quan với kết quả đạt được để tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp đề ra nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từng bộ, ngành, địa phương cần có chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể để tăng nhanh điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là những chỉ tiêu đang xếp hạng thấp. Sức ép lạm phát từ nay đến cuối năm còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu trong nước như điện, dịch vụ y tế, giáo dục… Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong tất cả các lĩnh vực, tránh chủ quan, thỏa mãn, theo dõi sát mọi diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38024902-khong-chu-quan-thoa-man.html